Chính thức: Đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ chạy từ Hà Nội đến TP HCM, phấn đấu hoàn thành vào 2035

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 30-11, với 443/454 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ dự phiên họp Quốc hội chiều 30-11

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ dự phiên họp Quốc hội chiều 30-11

Theo Nghị quyết được thông qua, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về tiến độ thực hiện dự án này, theo Nghị quyết, sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư dự án này.

“Việc đầu tư Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông” - ông Thanh nói, đồng thời nhấn mạnh đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Có ý kiến đề nghị bổ sung phạm vi dự án kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau và phân kỳ thực hiện theo từng giai đoạn; đề nghị kết nối Dự án vào tuyến đường sắt TP HCM đi Cần Thơ để bảo đảm đồng bộ.

UBTVQH phân tích, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển các tuyến đường sắt mới từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, gồm 3 đoạn tuyến: Lạng Sơn (Đồng Đăng) - Hà Nội, Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Cần Thơ để kết nối các vùng động lực, các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Do các đoạn tuyến đường sắt từ Lạng Sơn đến Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật, loại hình đường sắt cũng khác nhau và được nghiên cứu đầu tư theo các dự án độc lập, phù hợp với nhu cầu vận tải của từng đoạn tuyến và khả năng huy động nguồn lực.

Trong đó, đoạn Lạng Sơn - Hà Nội, chiều dài 156 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, dự kiến đầu tư trước năm 2030; (2) đoạn Hà Nội – TPHCM có chiều dài 1.541 km là đường sắt tốc độ cao, phấn đấu khởi công năm 2027. Đoạn TPHCM - Cần Thơ, chiều dài 174 km là đường sắt tiêu chuẩn, đang chuẩn bị đầu tư, dự triển khai đầu tư trước năm 2030.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tài chính, nhất là khả năng thu hồi vốn, khả năng hoàn trả vốn và việc trợ giá cho Dự án trong quá trình vận hành, khai thác.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Chính phủ đã tính toán các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính Dự án.

Theo đó, trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, do đó Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng.

Về khả năng cân đối và bố trí vốn, dự thảo Nghị quyết đã quy định Dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Thống nhất với ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong việc áp dụng triển khai thực hiện Dự án. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này.