Chính quyền Syria bị cáo buộc "bắt tay" khai thác năng lượng với IS

ANTĐ - Một thông tin gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây liên quan đến việc Chính quyền Assad và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã “bắt tay” với nhau trong lĩnh vực cung cấp năng lượng. Nhiều chuyên gia của Nhà nước lo ngại khi buộc họ phải làm việc trong các nhà máy do IS nắm giữ.

Chính quyền Syria bị cáo buộc "bắt tay" khai thác năng lượng với IS ảnh 1IS và Chính quyền Syria bị cáo buộc bắt tay nhau trong việc khai thác năng lượng 

Cái bắt tay kiểu “mafia”

Tờ DailyMail (Anh) dẫn một số nguồn tin cho hay, IS và Chính quyền Syria đã có thỏa thuận trên các lĩnh vực khí đốt. “Một số cơ sở đã cơ bản trở thành “liên doanh” giữa Chính quyền Assad và các chiến binh IS mặc dù hai bên đang trong cuộc nội chiến”, DailyMail đưa tin. Không ít nhân viên nhà nước được phân công làm việc trong các nhà máy khí đốt được do chiến binh IS quản lý. Một số kỹ sư của Syria cho biết, họ đã nhìn thấy đồng nghiệp bị đánh đập và thậm chí bị giết hại ngay trước mặt.

Theo tờ Financial Times, một nhân viên Nhà nước có tên là Ahmed (không phải tên thật của nhân vật), 25 tuổi cho biết, anh đã “không có sự lựa chọn nào” khi bị phân công làm việc tại nhà máy cung cấp năng lượng của Tuweinan do IS kiểm soát. “Công nhân thường bị đánh đập và tôi đã có lần tận mắt nhìn thấy đồng nghiệp bị đánh đập hết sức dã man. Tuy nhiên, chúng tôi không có cơ hội để tìm việc làm khác cũng không thể rời bỏ vị trí công tác. Thật tồi tệ khi chúng tôi không biết rằng mình thuộc về ai. Cả hai đều không đáng tin cậy”, Ahmed nói. 

Một số thông tin cho rằng, IS đã cử người tuần tra nghiêm ngặt tại các nhà máy của Tuweinan. Nếu phát hiện bất kỳ công nhân nào vi phạm quy tắc Hồi giáo sẽ bị phạt 75 roi. Một số nhân viên bị đe dọa bằng súng và dao. Những hành vi này thực hiện công khai, ngay trước mặt của các nhân viên khác. Nhiều trang báo lớn đưa tin, hiện nay, IS sở hữu 8 nhà máy điện của quốc gia và Chính quyền Assad dựa vào khí đốt cung cấp 90% điện của đất nước. Các doanh nghiệp Nhà nước có đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, trình độ cao, trong khi IS lại thiếu nguồn nhất lực chất lượng này. Năng lượng từ các nhà máy của Tuweinan được cho là đang có sự phân chia giữa ISIS và chế độ Assad.

Trước những cáo buộc nêu trên, quan chức Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên thiên nhiên của Syria đã lên tiếng khẳng định rằng: “Không có sự phối hợp nào giữa chính quyền Syria với các nhóm khủng bố”. Tuy nhiên, Chính quyền Syria thừa nhận, một số kỹ sư của Nhà nước làm việc trong các cơ sở của IS “vì lợi ích chung là đảm bảo an ninh và an toàn quốc gia cũng như các cơ sở sản xuất”. 

IS vẫn kiếm bộn tiền từ dầu mỏ 

Bất chấp những trận không kích của Mỹ và phương Tây, IS vẫn kiếm được khoảng 320 triệu USD/năm từ việc buôn bán dầu mỏ. Tình báo Phương Tây ước tính, những mỏ dầu mà IS nắm giữ ở Syria và Iraq khai thác khoảng 40.000 thùng mỗi ngày, mang lại khoản lợi nhuận kếch xù lên đến 1 triệu USD/ngày. Trái ngược với thông tin cho rằng, IS chủ yếu xuất khẩu dầu mỏ nhưng thực tế cho thấy, chúng kiếm được nhiều tiền từ việc bán dầu trong nước, nhất là bán dầu cho các phiến quân ở miền bắc Syria.

Một chỉ huy của lực lượng phiến quân chiến đấu chống khủng bố thừa nhận, ông bị ép phải mua dầu diesel của IS. “Đó là một tình huống dở khóc, dở cười. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không mua của IS, ai cung cấp nhiên liệu cho chúng tôi?”

Để đối phó với chiến dịch không kích của Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào các nhà máy lọc dầu và đường ống, IS đã tạo ra hàng trăm cơ sở lọc dầu nhỏ. Một quan chức cấp cao của châu Âu đã thừa nhận: “Chúng tôi đã không đạt được mục đích như kỳ vọng ban đầu”. Một vấn đề khó khăn đối với các máy bay chiến đấu phương Tây là rất khó khăn để phân biệt các xe tải chở dầu nào là do các chiến binh IS điều khiển.