Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung: Những lần chao đảo vì những màn đấu khốc liệt

ANTD.VN - Khi Mỹ - Trung đang "ăn miếng trả miếng" trên mặt trận thương mại, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo rằng, "Tổng thống Trump đã đẩy căng thẳng lên thành một cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế". Có đúng như vậy? Đúng, đó sẽ là một cuộc chiến thương mại thực sự, nhưng nó chưa phải là cuộc “đấu đá” về thương mại duy nhất từ trước tới nay.

Đạo luật Smoot-Hawley 6 - 1930, Mỹ gây ra căng thẳng thương mại toàn cầu

Trên thực tế, “kỷ lục” đẩy căng thẳng thương mại lên thành một cuộc chiến vẫn thuộc về người Mỹ. Tuy nhiên, không phải là những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay mà là hành động tuyên chiến của nước Mỹ với tất cả các nước trên thế giới vào năm 1930.

Cụ thể, vào tháng 6 - 1930, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã ký Đạo luật mang tên Smoot-Hawley. Theo Luật này, Mỹ ngay lập tức tăng thuế đối với hàng trăm sản phẩm, đưa mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ lên trên 45%. Mức thuế ngất ngưởng này áp dụng cho hàng hóa đến từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đã khiến giá cả của nhiều mặt hàng, kể cả những loại hàng hóa phổ biến như trứng, đường và hành tây đồng loạt “leo thang”.

Tổng thống mỹ Herbert Hoover, người cho ra đời Đạo luật Smoot-Hawley

Và tất nhiên, nhiều quốc gia, trong đó bao gồm, Canada và nhiều nước châu Âu, đã không hẹn mà cùng ra tay trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ. Kết quả là, thương mại trên toàn thế giới bị thu hẹp đáng kể, số lượng các công ty, tập đoàn phải tuyên bố phá sản vô cùng nhiều, mối quan hệ thương mại giữa nhiều nước bị cắt đứt, những thị trường thương mại khu vực dù lớn dù nhỏ đều lao đao,...

Các chuyên gia Mỹ cho rằng không ai muốn lặp lại câu chuyện Smoot-Hawley, bởi nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nghiêm trọng đối với những nền kinh tế có liên quan trực tiếp, mà vô tình nó đã mang lại lợi ích cho các nước đứng ngoài cuộc như Nga (Liên Xô cũ).

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là  “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới”.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam

Sau nhiều tuần đe dọa, ngày 17-9, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Washington, mức thuế mới 10% được áp dụng từ ngày 24-9, sau đó sẽ tăng dần lên 25% vào cuối năm 2018.Những mặt hàng như đồng hồ thông minh của các doanh nghiệp như Apple và Fitbit Inc hay một số loại hàng tiêu dùng như mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ngồi ô tô cho trẻ sơ sinh... sẽ không bị áp thuế.

Trong một tuyên bố, ông Trump cảnh báo nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào Mỹ, Washington sẽ "ngay lập tức bước vào giai đoạn ba, bao gồm các khoản thuế đối với khoảng 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu".

Bắc Kinh lâu nay cho rằng Washingon khơi mào “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” và khẳng định sẽ đáp trả với các mức thuế đánh vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, song do nước này chỉ nhập khẩu 130 tỷ USD hàng hóa Mỹ, nên khả năng của Trung Quốc trả đũa Mỹ với các mức thuế tương đương bị giới hạn.

Căng thẳng thương mại Mỹ - EU

EU không phải là ngoại lệ trong cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ với các nước. Ngày 1-6, tổng thống Trump áp đặt các mức thuế 25% với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Jean Juncker họp báo chung sau khi hội đàm.

EU ngay sau đó đã đáp trả với việc đưa ra các mức thuế có hiệu lực từ ngày 22-6 nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ, trong đó có quần bò, xe mô tô hạng nhẹ và rượu whiskey… Ông Trump đe đọa áp đặt các mức thuế trừng phạt với ô tô nhập khẩu - điều khiến ngành chế tạo ô tô của Đức đặc biệt lo ngại.

Trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại song phương Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 25-7 công bố kế hoạch xoa dịu căng thẳng này, trong đó Washington rút lại các mức thuế áp đặt lên ô tô nhập khẩu từ châu Âu, ít nhất tại thời điểm hiện tại. Hai bên vẫn đang thảo luận về cách thức theo đuổi các cuộc đàm phán theo hướng không thuế quan.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và 2 nước: Canada, Mexico

Hai nước thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là Canada và Mexico đã tung ra các mức thuế trả đũa riêng với hàng hóa Mỹ sau khi các mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (trái), Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang phát biểu trong một buổi họp báo

Chính sách thuế này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump đưa ra yêu cầu sửa đổi NAFTA. Mỹ, Mexico và Canada đã đàm phán được hơn 1 năm để sửa đổi NAFTA theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông cho rằng hiệp định này gây thiệt hại cho nước Mỹ.

Hồi cuối tháng 8, Mỹ và Mexico đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ. Điều này đặt Canada vào thế cô lập và vì vậy phải quay trở lại bàn đàm phán với Mỹ. Tiến trình đàm phán song phương này hiện vẫn chưa có tín hiệu sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày 30-11, thời điểm mà chính quyền Washington đã thông báo lên Quốc hội nước này rằng sẽ ký hiệp định mới với Mexico, thay thế NAFTA. Để gây áp lực đàm phán với phía Canada, Tổng thống Trump liên tục đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu ôtô đối với Canada.

Theo một số chuyên gia phân tích, nền kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại. Hiện khoảng 20% thu nhập quốc gia của Canada đến từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Mỹ. Đây cũng là điểm đến của gần lượng hàng hóa tương đương 76% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Canada. Trong khi đó, nếu so với Canada hay Mexico, nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc trực tiếp hơn vào hoạt động ngoại thương.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Nhật Bản

Nhật Bản là một mục tiêu khác của chính sách áp thuế vào sản phẩm thép của ông Trump. Nhật Bản đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng nước này lên kế hoạch triển khai chính sách thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ có giá trị lên đến 455 triệu USD.

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe bắt tay trong sau khi kết thúc một buổi hội đàm

Nước này cũng muốn có tên trong danh sách các nước được Mỹ miễn trừ khỏi kế hoạch đánh thuế ô tô nhập khẩu bởi đây là một "cơn gió ngược" đối với ngành chế tạo ô tô của Nhật Bản cũng như của Đức.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Iran

Hồi tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái)

Một số biện pháp trừng phạt đối với Iran có hiệu lực sau giai đoạn “chuyển tiếp” 90 ngày (kết thúc vào ngày 6-8-2018). Trong khi các biện pháp trừng phạt còn lại - nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ - sẽ có hiệu lực sau 180 ngày (kết thúc vào ngày 4-11-2018).

Châu Âu đã cam kết duy trì cung cấp cho Iran các lợi ích kinh tế nước này nhận được từ thỏa thuận hạt nhân. Song nhiều công ty lớn của “lục địa già” đã rút quân khỏi Iran trước khi đầu tư của họ có thể “kết trái”, trong đó có Total, Daimler, Siemens và Peugeot.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 8-2018, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hạ xuống mức thấp khi Tổng thống Donald Trump công bố tăng mức thuế mới đối với thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ để phản ứng việc giam giữ một mục sư người Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ trong một cuộc hội đàm

Riêng trong tháng 8-2018, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 25% giá trị do cuộc chiến thương mại với Mỹ gia tăng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phê phán cách hành xử của Mỹ đồng thời cam kết sẽ theo đuổi các giao dịch thương mại không sử dụng đồng USD với Nga và các nước khác. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã tăng các mức thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm Mỹ như gạo, rượu, lá thuốc lá, mỹ phẩm và ô tô.