Chiến dịch Valkyrie và âm mưu ám sát Adolf Hitler

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào lúc 12h42 ngày 20-7-1944, một quả bom đã phát nổ trong phòng họp của trụ sở quân sự Wolf's Lair ở Đông Phổ, tỉnh cực Đông của Đức quốc xã nhằm ám sát Adolf Hitler. Người đặt bom là sĩ quan quân đội Đức Claus Schenk Graf von Stauffenberg - ngày nay được ví như biểu tượng cho phong trào kháng chiến chống Quốc xã.
Hiện trường vụ nổ bom ám sát hụt Adolf Hitler ngày 20-7-1944

Hiện trường vụ nổ bom ám sát hụt Adolf Hitler ngày 20-7-1944

“Không còn cách nào khác ngoài giết hắn”, ông Stauffenberg đã nói với những người thân cận nhất của mình vài ngày trước đó. Ông Stauffenberg không chỉ là sát thủ mà còn là người tổ chức thực hiện âm mưu đảo chính quy mô lớn của những người thuộc giới bảo thủ, bao gồm các quan chức quân sự, ngoại giao và hành chính cấp cao. Ngay trước khi quả bom hẹn giờ phát nổ, viên sĩ quan đã rời doanh trại. Ông ta lên một chiếc máy bay quân sự về phía Berlin, tin rằng “Quốc trưởng” đã chết. Tại Thủ đô nước Đức, “Chiến dịch Valkyrie” đang được tiến hành.

Khi đó, chủ mưu - những người giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy Nhà nước Đức Quốc xã muốn sử dụng “Chiến dịch Valkyrie” cho cuộc đảo chính. Nhưng Hitler chỉ bị thương nhẹ. Chiếc bàn gỗ sồi và các cửa sổ của phòng họp được mở toang do thời tiết nóng bức đã làm giảm sức mạnh của vụ nổ. Mặc dù vậy, cơ hội cho một cuộc đảo chính vẫn chưa bị mất, nếu như tất cả những người tham gia đều kiên quyết tuân theo “Chiến dịch Valkyrie”. Nhưng đối mặt với áp lực có thể bị phát hiện, một số người liên quan đã dao động hoặc thậm chí đổi phe.

Đến tối hôm đó, âm mưu đảo chính đã thất bại. Hitler đã lên đài phát thanh tuyên bố việc này. Stauffenberg và một số đồng phạm đã bị bắt và bị xử bắn vào đêm hôm đó. Sau đó, tổng cộng khoảng 200 chiến binh kháng chiến đã thiệt mạng. Nhà sử học Wolfgang Benz tin rằng nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do chiến dịch “không có nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng nào khi đó tham gia” và những người liều mạng chiến đấu với chế độ Quốc xã rất ít.

Vào ngày 19-7-1953, lễ khánh thành Đài tưởng niệm Kháng chiến Đức diễn ra ở sân trong của tòa nhà Bendlerblock, Berlin - nơi Bá tước Stauffenberg bị hành quyết sau vụ ám sát Hitler bất thành. Ngoài ra, đài tưởng niệm còn tưởng nhớ tất cả những đàn ông và phụ nữ dũng cảm khác đã đứng lên chống lại chế độ của Hitler.

Bất chấp thất bại, cuộc kháng chiến chống Hitler diễn ra vào ngày 20-7-1944 đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ. Ông Henning von Tresckow, người cùng chiến tuyến với Stauffenberg đã cho rằng, thành công không còn là điều quan trọng nữa, “mà là phong trào kháng chiến Đức đã cho thấy sự dũng cảm trước thế giới và trước lịch sử”.

Ngày nay, nhiều người Đức nghĩ đến ngày 20-7-1944 trước tiên khi nói đến cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Ông Claus Schenk Graf von Stauffenberg do đó đã trở thành gương mặt đại diện của phong trào. Nhưng bên cạnh “Chiến dịch Valkyrie”, có một số hoạt động kháng chiến khác như vụ ám sát bất thành của người thợ mộc Georg Elser nhằm vào Hitler bằng một quả bom tự chế trong một quán bia ở Munich vào năm 1939 hay chiến dịch phát tờ rơi của một nhóm bạn trẻ được gọi là Bông hồng trắng. Và chắc chắn có nhiều người khác đã nổi dậy chống lại sự khủng bố của chế độ Quốc xã gồm người Do Thái, người theo cộng sản, nghệ sĩ, trí thức… chỉ có điều họ kháng cự trong âm thầm và bị lu mờ.

Ký ức về “Chiến dịch Valkyrie” và vụ ám sát có lịch sử riêng của nó. Trong một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, những người tham gia vẫn bị coi là những kẻ phản bội. Vợ của ông Stauffenberg ban đầu bị từ chối trợ cấp dành cho góa phụ. Sau đó, họ đã được ghi nhận như những anh hùng. Đường phố, trường học và doanh trại được đặt theo tên của họ. Các tòa nhà công cộng được treo cờ vào ngày 20-7 hàng năm. Lễ tuyên thệ với các tân binh của lực lượng vũ trang Đức được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày này.