Chiến dịch săn lùng hiệu quả, quan tham chạy không thoát

ANTD.VN - Rất nhiều quan tham Trung Quốc ở trong nước và những đối tượng đào tẩu ra nước ngoài đã sa lưới kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm chính quyền và phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”.

Chiến dịch săn lùng hiệu quả, quan tham chạy không thoát ảnh 1

Dương Tiến Quân, cựu Giám đốc Tập đoàn Minh Hòa, được đưa từ Mỹ về Trung Quốc vì tình nghi tham nhũng vào tháng 9 năm ngoái

“Săn cáo” và “Lưới trời”

Đối với những tội phạm tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài, Bắc Kinh đã tuyên bố truy lùng bằng được họ, đồng thời thu hồi triệt để tài sản phi pháp trong 2 chiến dịch hiệu quả là “Săn cáo” và “Lưới trời”. 

Chiến dịch “Săn cáo” được Trung Quốc đưa ra vào tháng 7-2014 nhằm truy lùng quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế trốn ở nước ngoài. Trong khi đó, chiến dịch “Lưới trời” khởi động từ năm 2015, có tính chất sâu rộng hơn. Cụ thể, “Lưới trời” vận hành bằng việc phối hợp giữa nhiều cơ quan Chính phủ khác nhau để mở cuộc tấn công nhiều hướng vào những kẻ “ôm tiền” đào tẩu, cũng như những người liên quan tới họ. 

Ngày 25-10, trang China.org.cn đưa tin, 10 tháng qua, chiến dịch “Săn cáo 2016” của Trung Quốc đã bắt giữ 634 tội phạm lẩn trốn tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 16 người được liệt vào “Thông báo đỏ” của lực lượng Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol).

Gần 1/3 số đối tượng này nằm trong các trường hợp phạm tội với số tiền 1,5 triệu USD và 59 người phạm tội với số tiền hơn 15 triệu USD. Trong 634 đối tượng, 50 trường hợp phạm tội liên quan tới chức vụ, 31 trường hợp buôn lậu. 48 người bị cảnh sát truy tìm hơn 5 năm; trong khi 17 người đã nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật hơn 1 thập niên.

Theo Bộ Công an Trung Quốc, cho đến nay, “Săn cáo” đang được đạt được nhiều thành tích quan trọng, nhưng chiến dịch này sẽ không “ngủ quên” trên thành công và việc phối hợp quốc tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo tất cả tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài đều sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật. 

Tập trung truy tìm ở “thiên đường lẩn trốn”

Theo một báo cáo của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc từ năm 2011, Trung Quốc nghi ngờ 18.000 cán bộ và giám đốc doanh nghiệp của nước này đã chạy trốn khỏi đất nước trong 20 năm qua và họ mang theo khoảng 129 tỷ USD. Tuy nhiên, Bắc Kinh gặp khó khăn khi dẫn độ các tội phạm về nước vì thiếu hiệp ước dẫn độ với các nước, đặc biệt, tại những “thiên đường ẩn náu” như Australia, Canada và Mỹ.

Các quốc gia phương Tây không muốn ký thỏa thuận dẫn độ tội phạm với Trung Quốc, vì lo ngại những thiếu sót trong hệ thống pháp lý và cách đối xử với tù nhân tại Trung Quốc. Cho đến nay chỉ có Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc và hiệp ước này có hiệu lực từ năm 2015. Tuy nhiên, mới đây, tháng 9-2016, Trung Quốc và Canada đã nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận về một hiệp ước dẫn độ có thể giữa 2 quốc gia. 

Dự kiến, chiến dịch “Săn cáo” của Trung Quốc sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, khi ngoài Canada, Bắc Kinh đã nhận được cam kết của từ “một số quốc gia phương Tây” là không trở thành nơi ẩn náu cho tội phạm tham nhũng. Ngày 25-10 vừa qua, tờ China daily đưa tin, Trung Quốc và Mỹ đang có các cuộc đàm phán để cho hồi hương 5 nghi phạm tham nhũng của Trung Quốc bị truy nã và đã trốn sang Mỹ. 5 đối tượng này gồm: cựu Phó Chủ tịch thành phố Ôn Châu (Chiết Giang); nguyên Giám đốc chi nhánh Quảng Đông của Ngân hàng Trung Quốc; 3 người còn lại không được nêu danh tính. 

Ông Lưu Kiến Siêu, người phụ trách chiến dịch đưa quan chức tham nhũng về nước của Trung Quốc, cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của nước này cần sự chung tay của quốc tế nếu muốn thành công. “Chúng tôi cần sự ủng hộ của các nước và các nước khác cũng cần Trung Quốc hỗ trợ trong công cuộc chống tham nhũng của mình. Về vấn đề này, tôi cho rằng đôi bên cùng có lợi”, ông Lưu tuyên bố. 

Ngoài những biện pháp cứng rắn, Trung Quốc cũng đang thuyết phục các quan chức tham nhũng nước này tự giác hồi hương để được nhận khoan hồng.