Chỉ 5,7% dân số Việt Nam tham gia hợp tác xã, thấp hơn nhiều so với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực hợp tác xã (HTX) tăng lên trong những năm qua nhưng số người lao động trong HTX tại Việt Nam so với thế giới còn rất thấp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu, địa phương nêu giải pháp phát triển kinh tế HTX

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu, địa phương nêu giải pháp phát triển kinh tế HTX

Sáng nay (15-2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, năm 2021, cả nước có 27.445 HTX, liên hiệp HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì khoảng 1,1-1,2 triệu lao động/năm.

Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013.

Đáng chú ý, những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.

Tuy nhiên, kinh tế hợp tác xã vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò quan trọng của mình. Trong đó, đóng góp vào GDP của nền kinh tế thấp và liên tục giảm (từ trên 4,03% năm 2013 xuống còn gần 3,6% năm 2020). Phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT) không những không đạt, mà ngày càng xa mục tiêu “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế” tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã đề ra.

Bên cạnh đó, số lượng thành viên bị sụt giảm đáng kể trong khi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hợp tác và chất lượng phát triển của HTX. Theo Bộ KH-ĐT, số lượng thành viên HTX đã giảm gần 2,3 triệu trong giai đoạn 2013-2021; tỷ lệ thành viên HTX trên dân số nước ta hiện nay khoảng 5,7%, thấp hơn nhiều so mức trung bình khoảng 12% của thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu do thành phần tham gia hợp tác xã chưa được mở rộng, đặc biệt là hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập người lao động đã cải thiện nhưng còn thấp. Phần lớn HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của lao động bình quân khu vực HTX mới gần bằng 50% so với khu vực doanh nghiệp.

Nhìn thẳng vào những hạn chế này, Bộ KH-ĐT cho biết sẽ có hướng khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là là mở rộng thành viên tham gia HTX theo hướng công dân dưới 18 tuổi, người khuyết tật, người không định cư ở Việt Nam, doanh nghiệp, tổ hợp tác, cán bộ công chức, viên chức đều có thể tham gia khu vực HTX… Đồng thời, có cách thức kêu gọi vốn đầu tư cho HTX.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu cần thảo luận, xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần đề xuất những định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX; các đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể, HTX và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu, cần tập trung phân tích, mổ xẻ các vấn đề về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ, huy động nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, vấn đề bao bì, mẫu mã, thị trường… để thúc đẩy kinh tế HTX phát triển.