Chè Ba Vì đầy sức sống
(ANTĐ) - Làm sống lại dòng sông Tích, Ba Vì sẽ thực hiện cả 3 mục tiêu: tưới tiêu, du lịch và nuôi trồng thủy sản, lúc đó những đồi bãi khô cằn, cây chè của người Dao, người Mường thỏa sức tắm mát. Sức sống mới trên vùng đất núi Tản tiếp tục ngát hương chè đón chào những mùa xuân mới.
Xa xa trên lưng chừng núi Ba Vì, nhấp nhô những vạt chè với màu xanh tươi tắn, những ngôi nhà mới nép mình dưới tán cây cổ thụ. Những cái bắt tay thân mật, những lời thăm hỏi tràn đầy yêu thương tặng cho nhau lời chúc chân thành... để thấy lòng mình thêm ấm áp. Đâu đó đã có sự đổi thay kỳ diệu của đồng bào người Mường, người Dao ở đây.
Cây chè tạo nên sức sống mới cho vùng núi Tản hùng vĩ |
Chè Ba Vì-đặc sản Thủ đô
Chúng tôi lên xã Ba Trại, huyện Ba Vì nhằm ngày cuối đông rực nắng, bỏ lại phía sau những con đường dốc ngoằn ngoèo lượn quanh sườn núi. Trôi qua bên cửa xe trập trùng, nhấp nhô tràn ngập màu xanh mát mắt của nương chè, cây trái sum suê. Thấp thoáng những rặng keo xanh, rì rào đón xuân sang. Đẹp đến say lòng trước dải đồi núi như tấm lụa trải dài dang rộng, mềm mại quấn gọn lấy làng nghề Đô Trám. Nắng xuân làm cho làng nghề trăm năm tuổi này như trẻ lại. Từ trên cao nhìn xuống, bên những con đường liên thôn mọc lên nhiều ngôi nhà lớn của người Mường, người Dao mới xây còn thơm mùi sơn chẳng kém miền xuôi. Từng đàn trâu, bò béo múp gặm cỏ ẩn hiện dưới những bóng cây tươi tốt. Đẹp hơn là những cô gái người Dao nước da trắng ngần, thấp thoáng bên những vạt chè soi mình vào những giọt sương sớm long lanh còn đọng lại trên những búp chè xanh.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì, Phùng Tiến Lâm tâm sự: “Ở đây, nhà nào cũng trồng chè, làm chè. Chè Ba Trại chất lượng ngày càng ngon không thua kém chè Thái Nguyên”. Đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận thấy mùi ngai ngái của những lọn chè tươi được thu hái dưới những đôi tay thoăn thoắt. Ông Đinh Văn Chư, xóm Đô, thôn Ba, xã Ba Trại, người gắn bó với cây chè từ thuở lọt lòng cho hay: Chè là một loại cây dễ trồng nhất. Ở những mảnh đất khô cằn cây chè vẫn có thể sống được. Cây chè đã trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo" trên vườn bãi khô cằn này. “Năm nay chè phát triển tốt lắm, trung bình mỗi mẫu có thể thu từ 70 - 80kg chè búp tươi/lứa, một năm 7 lứa, trừ chi phí, gia đình cũng thu được vài chục triệu đồng” - ông Chư hồ hởi khoe.
Vượt qua con đường đất đỏ, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Ba Trại. Sau cái bắt tay nồng ấm, thân tình, Chủ tịch UBND xã Bùi Quang Chắt cho biết: “Xã Ba Trại có diện tích hơn 447ha, khoảng 12.000 nhân khẩu chuyên trồng chè, sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm chè búp. Xã có 9 làng trồng chè đã được công nhận là làng nghề truyền thống thì làng nghề Đô với kiểu khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt nên chè rất thơm, chát dịu, nước xanh không thua kém chè Tân Cương của Thái Nguyên”.
Có lẽ vì điều này, nên trong những năm vừa qua, đã có nhiều công ty liên doanh, dự án đã chọn Ba Vì làm điểm đến để nuôi trồng và chế biến chè. Công ty cổ phần Chè Việt Mông vào cuối năm 2006, đã đầu tư trên 1 triệu USD để lắp đặt một dây chuyền sản xuất chè CTC xuất khẩu hiện đại, công suất chế biến 25 tấn chè tươi/ngày tại Nông trường Việt Mông. Cũng từ đây, sản phẩm chè của Ba Vì đã vươn ra có mặt ở các thị trường các nước như: Ấn Độ, Pakistan, Đức, Hà Lan, Anh....
Sức sống mới trên vùng núi Tản
Công lao vun trồng, chăm bón của người dân trồng chè Ba Vì đã được đền đáp xứng đáng, khi vào ngày 14-10-2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã cấp chứng nhận nhãn hiệu chè Ba Vì. Hiện nay, huyện Ba Vì đã có 6 nhà máy chế biến chè và hàng trăm cơ sở chế biến thủ công. Sản lượng chè xuất khẩu mỗi năm của huyện đạt 50 - 60% tổng sản lượng chè của huyện, với các thị trường tiêu thụ như: Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông… Năm 2009 giá trị sản xuất chè của huyện ước đạt 160 tỷ đồng (trong đó xuất khẩu đạt khoảng 5 triệu USD). Cây chè đã mang lại thu nhập ổn định cho hơn 10.000 lao động trong các nông trường, công ty chè và các hộ gia đình trong huyện, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Chè Ba Vì có đặc điểm là các giống chè trung du lá nhỏ, chè Ô Long, Kim Tuyên chất lượng cao, được trồng tập trung tại những vùng đất tơi xốp, hình thành trên các loại đá mẹ, mác ma, vàng đen của các xã miền núi và đồi gò của huyện Ba Vì. Chè được trồng từ nguồn nước sạch, phân bón hợp lý, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hương vị đậm đà, thơm ngon, đậm hương và ngọt hậu, lưu giữ hồn quê và mang bản sắc xứ Đoài. Các sản phẩm chính của chè Ba Vì là: chè xanh, chè đen các loại và chè ướp hương.
Không chỉ có những doanh nghiệp sản xuất chè chọn Ba Vì làm điểm đến an lành, cũng đã có nhiều hơn những khu dân cư của người miền xuôi lên đây phát triển kinh tế trang trại. Những con dốc ngày nào vắng bóng người giờ đã tấp nập mang dáng dấp bộ mặt nông thôn mới. Đời sống của người dân trồng chè cũng đã có nhiều đổi thay, nhà cao tầng, biệt thự… dần thay thế cho những căn nhà gỗ, nhịp sống hiện đại làm mất dần đi vẻ trầm lặng của điền trang thuở nào, dù ở thẳm sâu trong nó vẫn còn ẩn hiện những dấu vết xưa.
Bí thư Huyện ủy Ba Vì phấn khởi cho biết, Ba Vì có hai loại chè, loại trung du lá nhỏ diện tích hơn 900ha, chè PH1 gần 450ha, ngoài ra còn một số giống khác như: Ô Long, LĐP1, Kim Tuyên trồng tập trung ở một số xã khu vực Ba Trại và Nông trường Việt Mông.
Chỉ tính riêng các nhà máy chế biến chè trên địa bàn năm nay đạt sản lượng trên 2.000 tấn chè búp khô (chưa kể các hộ dân trồng chè). Thị trường lại ổn định, chè luôn giữ ở mức cao, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg chè khô, làm tốt có thể thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác nên đời sống của người nông dân cũng được cải thiện đáng kể.
Để tiếp sức cho cây chè, huyện Ba Vì có “tham vọng” phấn đấu đến năm 2015 mở rộng diện tích trồng chè đạt 2.500ha, đến 2020 là 3.000ha; năng suất bình quân chè búp tươi đạt 15 tấn/ha; giá trị sản xuất chè năm 2020 đạt 500 tỷ đồng (trong đó giá trị xuất khẩu là 25 triệu USD); tạo công ăn việc làm từ 1 vạn lao động của năm 2010 lên 3 vạn lao động vào năm 2020.
Cùng với đó là dự án làm sống lại dòng sông Tích, Ba Vì sẽ thực hiện đồng bộ cả 3 mục tiêu: tưới tiêu, du lịch và nuôi trồng thủy sản, lúc đó những đồi bãi khô cằn, cây chè của người Dao, người Mường thỏa sức tắm mát. Sức sống mới trên vùng đất núi Tản hùng vĩ tiếp tục ngát hương chè đón chào những mùa xuân mới.
Hải Dương