Châu Âu tăng cường kiểm soát di cư từ "gốc rễ"

ANTD.VN - Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Phi (AU) vừa nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt phá các đường dây buôn người và hồi hương những người di cư không được xét quy chế tị nạn. 

Châu Âu tăng cường kiểm soát di cư từ "gốc rễ" ảnh 1Người di cư chờ được cứu trên Địa Trung Hải ngày 6-8-2017

Chi tiết kế hoạch trên, dựa trên sáng kiến của Pháp, đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh AU-EU đang diễn ra ở Thủ đô Abidjan của Côte d'Ivoire với sự tham dự của các lãnh đạo EU cùng đại diện các Chính phủ đến từ CH Chad, Niger, Maroc, CH Congo và Libya. Hội nghị này diễn ra sau khi kênh truyền thông CNN đăng tải đoạn ghi hình những người châu Phi bị buôn bán như nô lệ tại Libya, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong công luận, đồng thời đặt ra câu hỏi về cách thức xử lý vấn đề một cách cấp bách.

EU đang gặp rất nhiều khó khăn để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai với hơn 1,5 triệu người nhập cư vào khối này kể từ năm 2015, kéo theo nhiều bất ổn xã hội. Theo thống kê, ước tính mỗi năm có tới 3.000 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích trong hành trình vượt Địa Trung Hải để đến "miền đất hứa". 

Khủng hoảng tiếp diễn ở các khu vực lân cận châu Âu như cuộc chiến kéo dài ở Syria, xung đột ở Afghanistan và Iraq có nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào. Các quốc gia có đông người di cư tới châu Âu như Nigeria và   Eritrea cũng đang chìm đắm trong xung đột. Điều này báo hiệu làn sóng người tị nạn ồ ạt vào châu Âu khó có khả năng giảm trong dài hạn chừng nào vấn đề nội tại ở chính các nước trên không được giải quyết.

Trong khi đó, thời gian qua, chính sách giải quyết khủng hoảng nhập cư của châu Âu chưa thực sự có hiệu quả và thiếu bền vững. Thỏa thuận nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế người di cư tại quốc gia kề cận EU trở nên mong manh kể từ sau cuộc đảo chính bất thành nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan đã cảnh báo sẽ không thực hiện các cam kết trong thỏa thuận trên nếu EU không thông qua việc kết nạp Ankara làm thành viên hoặc miễn thị thực cho công dân nước này. Hay tại Đức, quốc gia trụ cột cho chính sách của EU, Thủ tướng Angela Merkel cũng phải chịu thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây, được coi là hậu quả trực tiếp của chính sách “chào đón người tị nạn” của Chính phủ Đức.

Hậu quả của việc giải quyết khủng hoảng người nhập cư tập trung vào các biện pháp “chữa cháy” ngắn hạn của EU đã khiến số người tị nạn chỉ giảm tạm thời nhưng tính chất khốc liệt và mạo hiểm càng gia tăng. Báo cáo tóm tắt của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tháng 11 cho thấy, mặc dù số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu giảm 42% nhưng số lượng nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích chỉ giảm 15% so với năm 2015. 

Ngoài việc hỗ trợ các tổ chức nhân đạo quốc tế, EU tài trợ cho các cơ quan an ninh Libya, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển. Hồi tháng 7-2017, EC đã ra thông báo về khoản chi 46 triệu euro để huấn luyện và trang bị vũ khí cho lính biên phòng Libya, cũng như để thiết lập "cơ chế kiểm soát" ở Tripoli. 140 binh sĩ phòng vệ bờ biển Libya cũng được huấn luyện tại Trung tâm Hải quân châu Âu Eunavfor Med.

Về phía Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nội dung kế hoạch của EU và AU đề cập đến việc thành lập một "lực lượng tác chiến" gồm cảnh sát cùng các cơ quan tình báo châu Âu và châu Phi. Lực lượng này sẽ phối hợp bắt giữ các đối tượng tình nghi buôn người, triệt phá đường dây của chúng và chặn đứng việc ủng hộ tài chính cho các tổ chức khủng bố. Các đại diện tham dự cuộc họp cũng nhất trí xem xét các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối tượng buôn người. 

Dự kiến năm 2018, EU sẽ mở một "trung tâm điều phối khu vực" tại Thủ đô Khartum (Sudan) nhằm đào tạo các lực lượng biên phòng và phát triển hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống nạn buôn người. EU cũng đạt đồng thuận tài trợ cho tiến trình hồi hương người di cư đến từ Libya hiện do Tổ chức Di trú quốc tế đảm trách.