Chặn nguy cơ đổ máu

(ANTĐ) - Việc quân đội Thái Lan tuyên bố có thể sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình trong khi phe “Áo đỏ” quyết không rút khỏi quận tài chính Silom ở Thủ đô Bangkok đang làm tái hiện nguy cơ đổ máu.

Chặn nguy cơ đổ máu

(ANTĐ) - Việc quân đội Thái Lan tuyên bố có thể sử dụng vũ lực để giải tán biểu tình trong khi phe “Áo đỏ” quyết không rút khỏi quận tài chính Silom ở Thủ đô Bangkok đang làm tái hiện nguy cơ đổ máu.

Nguy cơ nổ ra xung đột vẫn hiện rõ
Nguy cơ nổ ra xung đột vẫn hiện rõ

Tuyên bố sau cuộc họp của Trung tâm xử lý các tình trạng khẩn cấp (CRES), Thủ tướng Thái Lan Abhisit cảnh báo phe “Áo đỏ” phải chấm dứt biểu tình trong ngày 12-5 nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp cứng rắn. Quân đội ngay lập tức hưởng ứng bằng quyết định từ nửa đêm 12-5 sẽ cắt điện nước và phong tỏa các ngả đường dẫn tới quận tài chính Silom ở Thủ đô Bangkok, nơi người biểu tình “Áo đỏ” chống chính phủ chiếm đóng suốt năm tuần qua, đồng thời cảnh báo có thể sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình một khi các biện pháp trên không có hiệu quả.

Xem ra tình hình lại diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Mới vài ngày trước đây, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện khi phe “Áo đỏ” chấp thuận lộ trình hòa giải 5 bước mà Thủ tướng Abhisit đưa ra hôm 3-5 với điểm cốt lõi là đề xuất giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử vào ngày 14-11 tới. Hy vọng càng nhen lên khi cựu Thủ tướng Thái Lan T. Shinawatra tuyên bố ủng hộ lộ trình hòa giải của ông Abhisit, thậm chí mong muốn chính phủ và các bên hữu quan sớm khởi động tiến trình này nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước.

Thế nhưng mọi chuyện lại bất ngờ ngoặt sang hướng khác sau cuộc đụng độ giữa quân đội và người biểu tình hôm 10-4 làm 25 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương. Sự căng thẳng và tâm lý đối đầu lại nhanh chóng xuất hiện.

Về phía chính phủ, theo lộ trình hòa giải 5 bước, Thủ tướng Abhisit sẽ giải tán Hạ viện trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 30-9. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu người biểu tình “Áo đỏ” rời khỏi các điểm cắm chốt ở Thủ đô Bangkok. Trong khi đó, phe “Áo đỏ” lại khẳng định sẽ chỉ rút đi khi Phó Thủ tướng phụ trách an ninh S. Thaugsuban, người bị cáo buộc đã gây ra cái chết của những người biểu tình trong vụ đụng độ hôm 10-4, phải từ chức. Ngoài ra, phe “Áo đỏ” còn đòi kênh truyền hình “Nhân dân” của họ phải được phép phát sóng trở lại. Chỉ khi các điều kiện trên được chấp nhận, phe này mới chấm dứt các cuộc biểu tình tại trung tâm thương mại sầm uất ở Thủ đô Bangkok.

Thời điểm mang tính “tối hậu thư” mà Thủ tướng Abhisit đưa ra với phe “Áo đỏ” là đêm 12-5 phải rút đi đã đến mà hai bên vẫn tuyên bố coi điều kiện của mình là tiên quyết, không ai chịu lùi bước trước, làm sao có thể nói đến thỏa hiệp. Lộ trình hòa giải năm điểm, giải pháp đang được ca ngợi như công cụ đưa Thái Lan thoát khỏi bất ổn chính trị kéo dài để đi vào hòa giải dân tộc, có nguy cơ chỉ tồn tại trên giấy.

Một khi các cuộc biểu tình còn tiếp tục, khả năng xảy ra xung đột giữa phe “Áo đỏ” với quân đội là điều khó tránh khỏi. Không những thế, nguy cơ những kẻ khủng bố lợi dụng tình trạng hỗn loạn để tiến hành các vụ nổ nhằm vào người biểu tình và lực lượng quân đội nhằm gây bất ổn cho Thái Lan, cũng không thể loại trừ. Ngăn chặn nguy cơ đổ máu tái hiện đã trở thành yêu cầu cấp thiết với Thái Lan hiện nay.

Hoàng Hà