Chặn nạn buôn thần chết

ANTĐ - Hơn 30 nghệ sĩ, diễn viên và họa sĩ nổi tiếng thế giới, trong đó có nghệ sĩ Y. Ono, S. Johansson và A. Lennox đã ký tên trong một bức thư ngỏ gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị thông qua khẩn cấp một hiệp ước về kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu.
Chặn nạn buôn thần chết ảnh 1
Tang vật một vụ buôn bán vũ khí

Bức thư được đưa ra nhân sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu phiên thảo luận nhằm soạn thảo và thông qua Hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí. Tham gia hội nghị có đại diện của 193 quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế, các nhóm xã hội, giới báo chí và các tổ chức buôn bán vũ khí. Mục tiêu của hội nghị, dự kiến kéo dài tới ngày 27-7 này, là đề ra và thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới vấn đề nhập khẩu, xuất khẩu và trao đổi vũ khí thông thường.

Theo bức thư, mỗi năm thế giới sản xuất ra hơn 12 tỉ viên đạn - đủ để bắn chết mỗi người đàn ông, đàn bà và trẻ em trên hành tinh này 2 lần. Vì không có các quy định chung điều chỉnh hoạt động buôn bán vũ khí, nên không ai có thể nói chính xác số đạn dược này sẽ đi về đâu và chúng sẽ cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Bức thư nhấn mạnh một hiệp ước kiểm soát buôn bán vũ khí như vậy sẽ giúp chấm dứt sự chết chóc và thương tật vô ích của con người trong các cuộc xung đột vũ trang; và việc giải quyết được thỏa thuận này là vấn đề giữa sự sống và cái chết.

Buôn bán vũ khí đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng toàn cầu. Theo ước tính, mỗi năm có hơn 1,5 nghìn tỷ USD được dùng cho các chi tiêu quân sự trên toàn thế giới (2,7% GDP thế giới). Báo cáo thường niên về các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển cho biết, doanh thu toàn cầu từ buôn bán vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự của 100 nhà thầu quốc phòng lớn nhất đã tăng tới 411,1 tỷ USD trong năm 2010.

Vũ khí là tác nhân chính làm cho các cuộc xung đột vũ trang trở nên nóng bỏng hơn. Vì thế, giảm bớt và kiểm soát chặt các hợp đồng mua bán vũ khí đã trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng. Trước hết, các hợp đồng mua bán vũ khí, hoặc cung cấp dịch vụ quốc phòng chủ yếu được các chính phủ giao thầu, khiến cho các hợp đồng vũ khí mang tầm vóc quan trọng về chính trị, là hệ quả của mối liên hệ giữa chính trị và buôn bán vũ khí.

Thêm vào đó là nạn buôn lậu vũ khí. Trải qua giai đoạn dài phát triển, những tay lái súng đã hình thành hẳn một nền công nghiệp kiếm tiền nhờ... tử thần. Báo cáo của LHQ khẳng định, ở đâu có tiếng súng là ở đó có thị trường buôn lậu vũ khí. Trên thực tế, năm 1992, những tay lái súng quốc tế kiếm được 1,85 tỷ USD. Còn tới nay, nguồn lợi nhuận từ súng đạn lậu không dưới 10 tỷ USD. Nhỏ từ súng lục, súng trường, lựu đạn cho tới vũ khí hạng nặng như máy bay, xe tăng và thậm chí là tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân đều có đủ.

Mỏ lợi nhuận siêu khủng này đã làm mờ mắt ngay cả chính trị gia mà điển hình là vụ hàng loạt quan chức Argentina trong chính phủ Tổng thống C. Menem bị cáo buộc dính líu vụ buôn lậu 6.500 tấn vũ khí các loại từ nước này sang hai quốc gia láng giềng Panama và Venezuela. Chỉ có một hiệp ước toàn cầu liên quan tới buôn bán vũ khí mới có thể kiểm soát và ngăn chặn hữu hiệu nạn buôn bán tử thần.