Chặn hầu bao của Al-Qaeda

ANTĐ - Trong nỗ lực chặn nguồn tiếp tế tiền bạc cho Al-Qaeda, Mỹ đã công bố số tiền thưởng lên đến 10 triệu USD cho ai tiết lộ tin liên quan đến Yasin al-Suri, một nhân vật quan trọng trong đường dây cung cấp tài chính cho Al-Qaeda.

Hoạt động ngầm của Al-Qaeda phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp từ Yasin al-Suri

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Yasin  al-Suri, còn được gọi là Ezedin Abdel Aziz Khalil, sinh năm 1982 tại Syria. Nhân vật này hoạt động theo một thoả thuận giữa chính phủ Iran và   Al-Qaeda từ năm 2005, theo đó giúp chuyển tiền và tuyển mộ người từ Iran cho các thủ lĩnh Al-Qaeda tại nhiều nước láng giềng. Al-Suri đã chuyển một số tiền đáng kể cho cấp lãnh đạo Al-Qaeda tại Afghanistan và Iraq. Đối tượng này đã bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt hồi tháng 7 vừa qua.

Vào thời điểm trước vụ tấn công 11-9-2001, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda kiếm được trung bình 30 triệu USD mỗi năm từ sự hỗ trợ tài chính của nhiều người. Mạng lưới này dùng phần lớn tiền mặt để nuôi dưỡng tổ chức, như là huấn luyện chiến binh, mua vũ khí, trả lương cho điệp viên và gia đình của họ, chi tiền hối lộ và tìm nơi ẩn náu. Trong khi đó, những âm mưu khủng bố hiếm khi cần đến số tiền mặt lớn.

Thế nhưng kể từ sau khi chính quyền Taliban ở Afghanistan bị lật đổ, Al-Qaeda lâm vào tình trạng nguy ngập về tài chính. Nhờ những nỗ lực của quốc tế, dòng tiền cung cấp cho Al-Qaeda đã bị siết chặt. Al-Qaeda đã không còn khả năng móc ngoặc với danh sách dài những đối tượng tiếp tay, cũng như tận dụng kẽ hở ngân hàng. Nguồn tiền mặt cạn kiệt dần, Al-Qaeda phải chuyển sang cả hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc để bù đắp các khoản chi phí.

Chẳng hạn như Al-Qaeda ở vùng đất Maghreb Hồi giáo, nhánh ở Bắc Phi, từ lâu đã sử dụng biện pháp bắt cóc đòi tiền chuộc như là công cụ khủng bố và nguồn tài trợ chủ lực. Các nhà ngoại giao Canada, du khách Italia và thương nhân   Algeria từng là nạn nhân của bọn chúng và số tiền chuộc lên đến 2 triệu USD cho một con tin. Nhánh của mạng lưới Al-Qaeda ở Yemen, trên bán đảo Arập, ở Iraq, Pakistan và Afghanistan cũng có hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc trong thời gian qua.

Nhằm bóp nghẹt Al-Qaeda, mới đây, Liên hợp quốc và một số quốc gia đã cho thêm tên 500 cá nhân vào danh sách những người bị đóng băng tài sản vì bị nghi ngờ có liên quan đến Al-Qaeda. Trong tháng 5-2011, Cục Quản lý tài sản nước ngoài (OFAC) của Mỹ báo cáo đã cho đóng băng tổng cộng 13,5 triệu USD trong các tài khoản liên quan đến Al-Qaeda. 

Tuy nhiên, chiến dịch đóng băng tài sản khủng bố không phải là kế sách lâu dài mà điều cần làm là truy tố ra pháp luật và trừng phạt những cá nhân tài trợ cũng như ủng hộ tiền bạc cho khủng bố. Chính vì thế mà ngay từ năm 1984, Mỹ đã trả thưởng trên 100 triệu USD cho hơn 70 người từng cung cấp thông tin có ích nhằm ngăn chặn các vụ tấn công hoặc giúp đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra công lý.