Hà Nội cần có thêm những hoạt động thúc đẩy văn học đọc phục vụ công chúng
Thưa thớt hoạt động liên quan đến sách
“Ở giữa thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến lại không có những triển lãm sách xứng tầm”, đó là nhận định của ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo ông Nguyễn An Tiêm, ngoài việc tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày hội Sách và Bản quyền thế giới hàng năm, Hà Nội chưa có nhiều hoạt động mang bản sắc, dấu ấn riêng, còn thiếu những triển lãm sách quy mô được tổ chức thường xuyên để phục vụ nhu cầu của đông đảo người yêu sách. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP sách Thái Hà chỉ rõ, hàng năm TP.HCM đều tổ chức “Lễ hội đường sách” vào dịp Tết thu hút đông đảo người dân. Trong khi đó, phải đến dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tới đây, lần đầu tiên một sự kiện được đánh giá là quy mô về văn hóa đọc của thành phố là Hội sách “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” mới được tổ chức. Chỉ còn hơn một tháng nữa là diễn ra sự kiện này, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hy vọng đây sẽ là tiền đề để duy trì việc tổ chức thường niên, nhằm tạo thành sân chơi, góp phần nâng cao văn hóa đọc cho người dân Thủ đô và là địa chỉ lui tới cho những người yêu sách, tránh tình trạng, tổ chức một lần rồi… thôi.
Sách thật chưa được in, sách lậu đã đến tay người đọc
Kỹ thuật “hỗ trợ” vi phạm bản quyền
Việc xuất hiện ngày càng nhiều những bản thảo, xuất bản phẩm có nội dung phức tạp cũng gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý. Theo ông Ngô Xuân Hải, Đội trưởng Đội An ninh truyền thông, báo chí, internet và xuất bản, Phòng Bảo vệ An ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng CATP Hà Nội, đã xuất hiện tình trạng một số bản thảo có nội dung phức tạp về chính trị không được xuất bản trong nước, được chuyển ra xuất bản ở nước ngoài dưới dạng sách in, sách điện tử rồi đưa về trong nước. Trong đó, nội dung các bản thảo này phê phán những sai lầm trong quá khứ, đưa ra những thông tin không thể kiểm chứng để cố ý xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ, tạo ra cái nhìn bi quan về xã hội hiện nay. Cùng với đó, việc vi phạm bản quyền, sách in lậu, in kém chất lượng lại được “hỗ trợ” bởi kỹ thuật in ngày càng tinh vi, photo siêu tốc, quy mô nhỏ gọn, có thể ra sách chỉ 1, 2 ngày, nhanh hơn nhiều so với quy trình in sách thật, đang khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn, cũng như đặt ra thách thức không nhỏ cho các đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, cũng tồn tại một thực tế, sách vừa được các nhà xuất bản mua bản quyền, chưa kịp in, nhưng các đơn vị sách lậu đã bằng cách nào đó xin được giấy phép in trước, khiến các nhà xuất bản… trở tay không kịp.
Giám đốc một nhà xuất bản tại Hà Nội khẳng định, tình trạng mua bán giấy phép xuất bản không những nảy sinh sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường xuất bản, gây thiệt hại cho các đơn vị kinh doanh chân chính, mà còn chuyển những đầu sách kém chất lượng đến với độc giả. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ các nhà xuất bản phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định, các cơ quản quản lý cần ráo riết vào cuộc, chấn chỉnh hoạt động xuất bản, kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.