Chậm trễ cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, nhà đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT nêu rõ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT nếu để xảy ra chậm trễ tại dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) về việc khẩn trương hoàn thành các lượng còn lại của cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Theo Bộ GTVT, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được được vào khai thác từ ngày 19/5/2023 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đến nay vẫn còn một số hạng mục công việc chưa hoàn thành.

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, các hạng mục còn lại như: Hệ thống hàng rào, đường gom, thảm mặt đường đường ngang, cầu vượt, tuyến nối, hoàn thiện các cầu vượt; hệ thống thoát nước dọc, mái taluy; trạm thu phí và hệ thống ITS, lắp đặt quạt thông gió trong hầm Dốc Sạn.

Cao tốc Nha Trang- Cam Lâm đã thông xe nhiều tháng nhưng còn nhiều hạng mục dở dang

Cao tốc Nha Trang- Cam Lâm đã thông xe nhiều tháng nhưng còn nhiều hạng mục dở dang

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, doanh nghiệp dự án khẩn trương, nghiêm túc phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, đồng thời chỉ đạo đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công toàn bộ các hạng mục còn lại trong phạm vi hợp đồng, đảm bảo hoàn thành trước ngày 4/9/2023 theo đúng quy định của hợp đồng, đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu và không ảnh hưởng đến an toàn khai thác.

"Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT nếu để xảy ra chậm trễ", Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT về việc đảm bảo ATGT, quản lý vận hành công trình trong quá trình khai thác tạm.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công bố trí đủ nhân lực, thiết bị vật tư vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án theo đúng tiến độ hợp đồng.

Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khai thác (nếu cần).

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 50km. Dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (nền đường rộng 17m), vận tốc thiết kế 80km/h; Trên tuyến còn đầu tư 1 hầm đường bộ qua núi Dốc Sạn có chiều dài khoảng 700m và một số công trình cầu lớn.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Dự án do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm nhà đầu tư.