Chấm dứt chiến sự, đối thoại hòa bình giải quyết khủng hoảng Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cuộc xung đột quân sự ngày càng leo thang giữa Nga và Ukraine đang gây ra những tổn thất nặng nề cho thường dân và những cơ sở hạ tầng dân sinh thiết yếu. Một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng vào lúc này phải là ưu tiên cấp bách hàng đầu với tất cả các bên liên quan.

Dòng người tị nạn không ngừng gia tăng

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine tính tới ngày 1-3 đã bước sang ngày thứ 6 và chưa có dấu hiệu dừng lại, trái lại ngày càng leo thang với quy mô rộng và ác liệt, gây thương vong cho cả hai phía. Trong đó, đặc biệt là gây tổn thất nặng nề cho sinh mạng thường dân cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại Ukraine.

Người dân Ukraine đi bộ qua biên giới tới Przemysl, Ba Lan trong đêm tối

Người dân Ukraine đi bộ qua biên giới tới Przemysl, Ba Lan trong đêm tối

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc công bố thông kê cho biết, tính tới hết ngày 27-2, đã có ít nhất 240 dân thường thương vong, trong đó có 64 người thiệt mạng khi chiến sự nổ ra tại Ukraine từ sáng sớm ngày 24-2. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ukraine cùng ngày 27-2 thông báo, 352 dân thường nước này thiệt mạng, trong đó có ít nhất 14 trẻ em, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự; 1.684 người bị thương, trong đó có 116 trẻ em.

Cũng theo thống kê của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, cuộc chiến đã làm hư hại nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng khiến hàng trăm nghìn người dân Ukraine bị cắt điện hoặc nước. Cùng với đó, đã có hàng trăm ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy; nhiều cầu, tuyến đường trúng đạn pháo khiến người dân không thể tiếp cận các khu chợ.

Tình hình chiến sự leo thang đã khiến hàng trăm nghìn người dân Ukraine bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tới ngày 27-2 đã có khoảng 370.000 người từ Ukraine đi lánh nạn sang các nước láng giềng.

Một phụ nữ Ukraine đứng trước khu chung cư bị trúng tên lửa ở Thủ đô Kiev, Ukraine

Một phụ nữ Ukraine đứng trước khu chung cư bị trúng tên lửa ở Thủ đô Kiev, Ukraine

Tại Hội nghị bất thường của các Bộ trưởng Nội vụ EU ngày 27-2, lần đầu tiên đã đạt đồng thuận giữa tất cả 28 nước thành viên liên minh về việc cùng tiếp nhận người tị nạn chiến tranh một cách nhanh chóng và không quan liêu thủ tục giấy tờ. Theo đó, những người tị nạn từ Ukraine không phải làm thủ tục xin tị nạn mà nhận được sự bảo hộ tạm thời ở EU trong tối đa 3 năm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài ngày 25-2 đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng mới đây tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết và nhấn mạnh, Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. “Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Quy định đặc biệt này được EU lần đầu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều đơn xin tị nạn tới mức quy trình thông thường có thể bị quá tải, cụ thể trong trường hợp này là xuất hiện “dòng người tị nạn ồ ạt” đổ vào liên minh. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Romania Lucian Bode, đã có tới 10.624 công dân Ukraine tới nước này qua 6 chốt kiểm soát biên giới chỉ riêng trong ngày đầu nổ ra chiến sự (ngày 24-2). Giới chức biên giới Ba Lan cho biết, 29.000 người tị nạn từ Ukraine đã nhập cảnh vào Ba Lan trong ngày 24-2.

Chiều ngược lại, dòng người từ hai nước “Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk” tự xưng thuộc khu vực Donbass phía Đông Ukraine cũng vượt biên giới sang Nga lánh nạn. Chính quyền Donetsk cho biết, khoảng 700.000 người phải sơ tán, lánh nạn. Trong khi đó, khoảng 25.000 cư dân Luhansk đã vượt qua biên giới vào Nga.

Chiến sự càng leo thang, dân thường càng thiệt hại, thương vong

Các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc cảnh báo, tình trạng nhiên liệu, tiền mặt, vật tư y tế đang cạn kiệt ở nhiều khu vực của Ukraine sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự có thể khiến 5 triệu người dân Ukraine phải ra nước ngoài lánh nạn. Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng Janez Lenarcic thậm chí cho rằng, có thể đã có trên 7 triệu người Ukraine phải đi lánh nạn. Nếu tình hình giao tranh kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở châu Âu trong nhiều năm qua.

Người dân Ukraine đi bộ qua biên giới để sang Ba Lan tị nạn

Người dân Ukraine đi bộ qua biên giới để sang Ba Lan tị nạn

Ngoài ra, chiến sự leo thang cũng đã phá hủy nhiều công trình dân sinh thiết yếu. Giám đốc khu vực châu Âu và Trung Á của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Afshan Khan cho biết, cơ quan này đang đánh giá mức độ thiệt hại của cơ sở hạ tầng tại Ukraine. Ukraine đã đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bổ sung hỗ trợ tài chính trong bối cảnh chiến sự leo thang.

Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, hiện định chế tài chính này đang triển khai chương trình cứu trợ trị giá 2,2 tỷ USD cho Ukraine và giới chức nước này vừa đề nghị được bổ sung hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Ban Giám đốc IMF đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về tình hình tại Ukraine và cam kết tiếp tục hỗ trợ hết sức có thể. Người đứng đầu IMF cũng cho biết, IMF đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Ukraine. Trước đó, Chủ tịch WB David Malpass ngày 25-2 cho biết ngân hàng này chuẩn bị hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine.

Một công dân Ukraine ngồi chờ qua biên giới tại cửa khẩu Medyka, phía Đông Ba Lan

Một công dân Ukraine ngồi chờ qua biên giới tại cửa khẩu Medyka, phía Đông Ba Lan

Có thể thấy chiến sự tại Ukraine càng leo thang thì người dân sẽ phải chịu tổn thất và thương vong ngày càng lớn. Chính vì thế, trước hết cần phải chấm dứt chiến sự để các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Chiến sự tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn, mở rộng thêm nên không nhiều kỳ vọng vào kết quả cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, dư luận yêu chuộng hòa bình cho rằng, cần phải chấm dứt ngay chiến sự, các bên liên quan cùng ngồi vào đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Người Ukraine nhận đồ ăn và thức uống miễn phí do tình nguyện viên cung cấp

Người Ukraine nhận đồ ăn và thức uống miễn phí do tình nguyện viên cung cấp

Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN ngày 27-2 đã ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan. Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”.