Câu chuyện cổ tích trong cuộc khủng hoảng di cư

ANTĐ - Bức ảnh một ông bố ôm con gái đi bán bút dạo ở Thủ đô Beirut (Lebanon) đã chạm tới trái tim của hàng nghìn người. Không lâu sau khi bức ảnh lan truyền trên mạng, nhiều người đã quyên góp để giúp đỡ ông bố tị nạn người Syria này và hiện giờ anh đã là chủ 3 cửa hàng nhỏ với nhân viên cũng là những người tị nạn.

Câu chuyện cổ tích trong cuộc khủng hoảng di cư ảnh 1Bức ảnh ông bố ôm con bán bút dạo ở Beirut lay động trái tim nhiều người

Sức mạnh của mạng xã hội

Người bố tội nghiệp đó chính là Abdul Halim al-Attar, 33 tuổi, chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Syria từ hơn 3 năm trước. Ban đầu, Al-Attar tới Ai Cập, sau đó mới qua Lebanon. Vợ của Al-Attar đã quay trở lại Syria chỉ vài tháng sau khi gia đình rời đi, nhưng Al-Attar kiên quyết không trở lại, bởi anh không muốn trở về nơi không nhìn thấy tương lai cho 2 con nhỏ của mình, 1 bé trai 9 tuổi và 1 bé gái 4 tuổi.

Để nuôi sống gia đình, Al-Attar bán bút dạo và những vật phẩm lặt vặt khác. Khi lang thang trên những con phố ở Beirut vào mùa hè nóng nực vừa qua, bố con Al-Attar đã lọt vào ống kính của một thợ chụp ảnh. Bức ảnh chụp Al-Attar lay động trái tim cư dân mạng, bởi lúc đó trông anh rất tuyệt vọng với đôi mắt như ũng nước, cầm những chiếc bút màu xanh như thể đó là tất cả những gì anh có trên thế giới này. Một cánh tay Al-Attar ôm con gái nhỏ, cô bé ngủ gục vào vai bố. Tấm ảnh gây xúc động này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội ngay sau khi xuất hiện. Một trong những người tích cực chia sẻ là Gissur Simonarson - một nhà hoạt động người Na Uy đang quản lý website chuyên cập nhật những thông tin từ các khu vực có xung đột.

Ông Simonarson đã đăng bức ảnh về Al-Attar lên tài khoản xã hội Twitter - nơi ông có 100.000 người theo dõi và lập tức nhận được rất nhiều phản hồi từ các nhà hảo tâm. “Nhìn bức ảnh anh ta đứng đó với con gái, trái tim tôi quặn thắt” - ông Simonarson trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post qua điện thoại. Để làm cầu nối giúp đỡ bố con tị nạn này, ông Simonarson đã xác định lại thông tin về người đàn ông trong bức ảnh,  sau đó, phát động chiến dịch gây quỹ từ thiện cho Al-Attar. Rất bất ngờ, chỉ sau 30 phút chương trình gây quỹ khởi động, Simonarson đã đạt mục tiêu 5.000 USD. Sau đó vài tiếng, con số quyên góp đã lên tới 15.000 USD. Kết thúc chiến dịch từ thiện kéo dài 15 ngày này số tiền quyên góp là hơn 190.000 USD.

Câu chuyện cổ tích trong cuộc khủng hoảng di cư ảnh 2Abdul Halim al-Attar (trái) cùng một nhân viên tại cửa hàng của anh ở Beirut

Nối dài sự giúp đỡ

Nhà hoạt động người Na Uy và nhóm của ông đã lo lắng về sự an toàn của gia đình Al-Attar khi lỡ ai đó biết về khoản tiền khổng lồ được gây quỹ. Nhóm của ông Simonarson phải làm việc với văn phòng địa phương của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn để bảo đảm rằng Al-Attar và 2 con nhỏ không bị nguy hiểm. 

Hiện, anh Al-Attar mới chỉ nhận được phần tiền quyên góp qua thẻ tín dụng, còn số tiền chuyển bằng dịch vụ Paypal thì chưa rõ “số phận”, bởi Paypal đang giảm hoạt động tại Lebanon. 

Với số tiền này, Al-Attar đã dừng công việc bán bút dạo và đầu tư phát triển kinh doanh. Anh  mở cửa hàng bánh, hàng ăn nhỏ và một quán thịt nướng. Theo hãng tin AP, Al-Attar và 2 con nhỏ cũng chuyển tới một căn hộ lớn hơn. Tuy vậy, đối với ông bố 33 tuổi này, điều làm anh thấy hạnh phúc không phải là ngôi nhà to, mà là việc con gái nhỏ có những món đồ chơi mới, còn cậu con trai được tới trường.

“Những người hảo tâm đó không chỉ làm thay đổi cuộc đời tôi mà còn cứu giúp cuộc đời của con cái tôi và những người tị nạn Syria mà tôi đã giúp đỡ” - anh Al-Attar nói với AP về 16 nhân viên người tị nạn Syria đang làm việc cho mình. Al-Attar còn gửi 25.000 USD về giúp đỡ bạn bè và người thân nơi quê nhà đang sống trong chiến sự.

Al-Attar may mắn hơn hầu hết người tị nạn ở Lebanon - nơi 30% trong số 1,2 triệu người di cư Syria được đăng ký tị nạn đang thất nghiệp và 60% trẻ em không được tới trường.