Cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết đối diện nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một năm qua, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác tạm và được quản lý bởi VEC E.  Tuy nhiên, do chưa xác định được kinh phí chi trả nên đến nay VEC E chưa được Ban QLDA Thăng Long thanh toán.

Ban QLDA Thăng Long thông tin, sau buổi làm việc với Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa qua, đơn vị đã có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền về nguồn kinh phí chi trả cho đơn vị này vận hành tuyến cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết song chưa nhận được trả lời nên không đủ cơ sở thanh toán.

Hai bên thống nhất Ban QLDA Thăng Long tiếp tục báo cáo Bộ GTVT về nguồn kinh phí trả cho VEC E. Nếu đến ngày 28/4, khoản kinh phí này vẫn chưa xác định được, VEC E sẽ tạm dừng quản lý, vận hành, bảo trì cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Một năm qua, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác tạm và được quản lý bởi VEC E. Đây là đơn vị đã gần 10 năm vận hành, khai thác tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nên được giao quản lý thêm đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho đến khi chọn được đơn vị chính thức đảm nhận.

Tuy nhiên, do chưa xác định được kinh phí chi trả nên đến nay VEC E chưa được Ban QLDA Thăng Long thanh toán.

Tuyến cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết

Tuyến cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết

Trong khi đó, VEC E cho biết sau gần một năm khai thác, chi phí vận hành, bảo trì... cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hơn 10 tỷ đồng. Tuyến đường đã phục vụ hơn 5,3 triệu lượt ôtô, bình quân 17.000 lượt mỗi ngày.

Dịp lễ, Tết, xe tăng cao, có ngày đạt 37.600 lượt. Đơn vị này đã xử lý gần 1.000 sự cố trên tuyến với gần 100 vụ tai nạn giao thông, 9 vụ cháy trong hành lang an toàn cao tốc; cứu hộ gần 400 xe hư hỏng và xử lý 500 trường hợp xe không được phép chạy vào cao tốc.

Theo VEC E, nguồn kinh phí chi trả đến nay vẫn chưa xác định nên đơn vị gặp khó khăn trong đảm bảo tiền lương, chính sách bảo hiểm người lao động làm việc trên tuyến. Ngoài ra, còn các khoản tiền điện phục vụ chiếu sáng, máy móc, thiết bị... Vướng mắc này chậm được tháo gỡ sẽ khiến công ty không đủ kinh phí duy trì.

Theo Bộ GTVT, Bộ đã chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long, Cục Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông, cùng các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Tuyến có điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; điểm cuối ở nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Công trình sau khi đưa vào khai thác cuối tháng 4 năm ngoái giúp ôtô từ TP HCM đi Phan Thiết còn hơn 2 giờ, thay vì 4-5 giờ như trước đây.