Cao tốc Bắc - Nam: Nhà đầu tư nội vẫn than "cửa" hẹp, ít cơ hội

ANTD.VN -Đến thời điểm này, dù thời gian chốt hồ sơ nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án thành phần của cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông sắp chốt, nhưng các nhà thầu nội vẫn cho rằng, dự án lớn nhưng chỉ là "cửa hẹp" với nhà thầu nội.

Năng lực + kinh nghiệm: Điểm "chết" của nhà thầu nội

Theo Bộ GTVT, các ban quản lý dự án đã phát hành được hơn 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Anh, Trung Quốc...

Đến ngày 10/7, Bộ GTVT sẽ chốt hồ sơ nhà đầu tư tham gia đấu thầu, sau đó chấm hồ sơ theo các tiêu chí đã đưa ra.

Theo thông tin từ Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), đến nay, toàn bộ cọc GPMB (dài 653,61km) của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã được các chủ đầu tư, Ban QLDA bàn giao cho các địa phương thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, đền bù GPMB.

Cụ thể, dự án có số lượng cọc GPMB được bàn giao dài nhất là Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 101km. Tiếp đến là Phan Thiết - Dầu Giây (99km), Cam Lộ - La Sơn (98,3km). Ít nhất là dự án Cao Bồ - Mai Sơn đi qua địa bàn hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình với 15,2km.

Bộ GTVT đã phát hành hơn 120 bộ hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông

Đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, hiện nay, 11/11 dự án cao tốc Bắc - Nam đã được các địa phương thành lập hội đồng GPMB. Đồng thời, Bộ GTVT đã chuyển 4.628 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện công tác đền bù GPMB.

Liên quan đến công tác đấu thầu dự án cao tốc Bắc- Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thông tin, các dự án cao tốc Bắc Nam được thực hiện đấu thầu quốc tế đúng theo quy định Chính phủ đưa ra; doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tuân thủ theo luật chung với doanh nghiệp nước ngoài.

Trường hợp một nhà đầu tư trong nước không đủ năng lực, kinh nghiệm thì có thể liên danh, hợp tác với nhau hoặc với nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến việc siết năng lực đầu tư của nhà đầu tư trong dự án cao tốc Bắc- Nam, đại diện Vụ Đối tác công tư cho rằng, trước đây, dư luận cũng như nhiều người cho rằng, các nhà đầu tư BOT "tay không bắt giặc", bởi vậy, tại dự án này, Bộ GTVT phải siết chặt, tăng năng lực tài chính của nhà đầu tư, tránh tình trạng “toàn tiền đi vay” để tham gia vào dự án.

Cũng bởi Bộ GTVT nâng cao năng lực của nhà đầu tư tham gia dự án nên nhiều doanh nghiệp trong nước đến thời điểm này vẫn than khó tham gia.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (đơn vị quản lý cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ) cho biết, công ty rất muốn tham gia đấu thầu nhưng e ngại khó cạnh tranh với nhà thầu ngoại, năng lực mạnh, kinh nghiệm dày dặn.

Với cả hai tiêu chí nói trên, không nhiều nhà đầu tư nội có thể đáp ứng được. Ví dụ, doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án, nghĩa là với các dự án cao tốc Bắc Nam mà vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu ít nhất là 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp phải từng tham gia các dự án lớn tương đương.

Trong khi đó, ngoài một số doanh nghiệp Việt Nam gần đây mới tham gia các dự án cao tốc lớn như Hạ Long - Vân Đồn, Bắc Giang - Lạng Sơn, hiện rất ít nhà đầu tư có đủ vốn chủ sở hữu, kinh nghiệm như tiêu chí nêu trên.

Khó khăn khác theo đại diện nhà đầu tư Phương Thành là các ngân hàng đang siết chặt cho vay hoặc cho vay lãi suất cao với các dự án BOT. Lãi suất ngân hàng trên 11%, trong khi lãi suất tạm tính trong hồ sơ dự án thầu chỉ là 7,8 %; chưa kể rất nhiều dự án BOT đang bị hụt thu (so với phương án tài chính) đã khiến nhà đầu tư nao núng.

Nhà thầu ngoại phải chưa từng bị kiện tụng

Trong khi đó, bày tỏ về khả năng  tham gia của các nhà đầu tư nội, không ít chuyên gia kinh tế lại đang ủng hộ cách làm của Bộ GTVT.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ GTVT đưa tiêu chí năng lực và kinh nghiệm làm điểm mấu chốt là phù hợp, bởi dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh phía Đông là dự án lớn, nếu không làm nghiêm túc sẽ mất lòng tin của người dân, trong bối cảnh các dự án BOT đã mang lại không ít rắc rối.

Và, nếu các nhà đầu tư nội không đủ về năng lực hoàn toàn có thể tham gia liên danh, liên kết với các nhà thầu ngoại để tham gia dự án, Chính phủ  cũng như Bộ GTVT không hạn chế việc này.

Không chỉ với các nhà đầu tư nội, mà với nhà đầu tư ngoại thì tiêu chí tham gia dự án cũng rất khắt khe.

Đề cập đến việc, các nhà đầu tư nội “bắt tay” liên kết với các nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và muốn tham gia, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bất kỳ nhà đầu tư nào, trong hay ngoài nước đáp ứng tư cách, hợp lệ về đấu thầu và có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm và giải pháp khả thi thì mời tham gia.

Đây là dự án quan trọng của quốc gia, là tuyến đường huyết mạch cần phải chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm.

Nếu là nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng yêu cầu từng đầu tư thành công ở một dự án tương tự, có hợp đồng tương tự ở nước mà họ không mang quốc tịch, không bị kiện tụng trong lịch sử thực hiện hợp đồng thì mới chọn.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 653,61km, tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng. Dự án gồm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.