Cánh cửa đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine luôn để ngỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù lập trường đàm phán còn quá khác biệt và cả hai bên đều đang muốn giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine bằng sức mạnh trên chiến trường, song các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột khốc liệt này vẫn được tiếp tục ở nhiều cấp độ khác nhau.

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao

Đang có cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về Hội nghị Hòa bình Ukraine kéo dài trong 2 ngày nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine do Arabia Saudi chủ trì. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-8 vừa qua tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia với sự tham gia của đại diện là các cố vấn an ninh quốc gia đến từ khoảng 40 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ... Hội nghị Saudi Arabia có quy mô lớn hơn khá nhiều so với hội nghị quốc tế về hòa bình cho Ukraine diễn ra ở Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào tháng 6-2023, tuy nhiên vẫn không có sự tham dự của đại biểu đến từ một trong hai bên của cuộc xung đột quân sự là Nga.

Các đại diện của gần 40 nước tham dự Hội nghị Hòa bình Ukraine tổ chức ở Arabia Saudi

Các đại diện của gần 40 nước tham dự Hội nghị Hòa bình Ukraine tổ chức ở Arabia Saudi

Trong phát biểu mới nhất ngày 13-8 khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF (Đức), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hoan nghênh hội nghị bàn về kế hoạch hòa bình Ukraine mới được Arabia Saudi tổ chức, đồng thời kêu gọi tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để tìm cách chấm dứt xung đột tại Ukraine. Thủ tướng Đức cho rằng, những hội nghị như vậy được tổ chức ở cấp các cố vấn chính sách ngoại giao là “rất đặc biệt”, quan trọng và mới chỉ bắt đầu nên cần tiếp tục.

Hội nghị do nước chủ nhà Arabia Saudi chủ trì nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về các nguyên tắc chính cho giải pháp hòa bình trong tương lai nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Trong đó, là một trong hai bên của cuộc xung đột, Ukraine muốn tìm kiếm sự ủng hộ dành cho kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu Thế giới (G20) hồi tháng 11-2022.

Theo đó, ngoài các vấn đề về bảo đảm an toàn hạt nhân, an ninh năng lượng… Kiev muốn Nga phải rút quân và chấm dứt chiến sự; Lập tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh; Ngăn ngừa xung đột leo thang; Thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc; Ký kết hiệp ước kết thúc chiến tranh… Điều quan trọng là khôi phục chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine với các vùng đất ở miền Đông cũng như bán đảo Crimea.

Thế nên, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh Hội nghị Hòa bình Ukraine tại Arabia Saudi. Kiev thể hiện “hài lòng” với kết quả trong khi nước chủ nhà Arabia Saudi khẳng định là các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn quốc tế và trao đổi quan điểm, theo cách góp phần xây dựng nền tảng chung mở đường cho hòa bình tại Ukraine.

Tuy nhiên, thái độ của Nga lại trái ngược hoàn toàn với sự “hài lòng” của Kiev về Hội nghị Hòa bình Ukraine. Chỉ theo dõi diễn biến 2 ngày hội nghị từ bên ngoài do không tham dự, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho rằng, các nước phương Tây và Ukraine đang nỗ lực thúc đẩy cái gọi là công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhưng điều này thực chất không liên quan đến giải pháp hòa bình mà là “tối hậu thư” đối với Nga.

Với phản ứng của Nga là một trong hai bên trong cuộc xung đột quân sự, có thể thấy Hội nghị Hòa bình Ukraine dù có tiếp tục thì cũng khó có thể tìm kiếm được giải pháp khả thi. Thế nhưng, dù sao việc tổ chức hội nghị, nhìn ở góc độ nào đó cũng mang ý nghĩa tích cực khi muốn thúc đẩy các giải pháp đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột đang gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía Nga và Ukraine, cũng như tác động tiêu cực tới toàn cầu. Điều đó cho thấy luôn có những mong muốn, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Thắp lên và gìn giữ ngọn lửa hòa bình

Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine tới nay đã sắp tròn 2 năm rưỡi kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” với mức độ khốc liệt và thiệt hại ngày càng lớn cho cả hai bên. Với tình thế chiến trường ác liệt hiện nay, khó có thể đưa ra bất kỳ nhận định nào về kết cục cuộc xung đột nếu chỉ dựa vào sức mạnh của bom đạn để quyết định thắng thua. Và cho dù kết cục thế nào thì giải pháp quân sự sẽ đưa đến tổn thất vô cùng to lớn cho cả hai bên, đặc biệt là thiệt hại về sinh mạng con người.

Do đó, đàm phán hòa bình chứ không phải là sức mạnh quân sự mới là giải pháp đúng đắn cho cuộc xung đột Ukraine. Thực tế, sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24-2-2022 nhằm vào Ukraine, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán, thậm chí những vòng đàm phán này còn diễn ra không lâu sau khi xung đột bùng phát, lúc chiến sự ở giai đoạn ác liệt nhất.

Chỉ 4 ngày sau khi nổ ra chiến sự, Nga và Ukraine đã mở vòng đàm phán đầu tiên vào ngày 28-2. Hai bên sau đó liên tiếp tổ chức các vòng đàm phán cả trực tiếp và trực tuyến nhằm sớm chấm dứt xung đột, ký kết một hiệp ước hòa bình dưới sự chứng kiến trực tiếp của Tổng thống hai nước Nga và Ukraine.

Trong đó, vòng đàm phán trực tiếp tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29-3-2022 đang mang lại những tín hiệu tích cực nhất. Phía Nga đã đưa ra hai biện pháp mà nước này cho là quan trọng nhằm làm giảm căng thẳng, bao gồm đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ukraine, đồng thời giao Bộ Ngoại giao hai nước hướng tới việc ký kết một hiệp ước hòa bình.

Đoàn đàm phán Nga cũng đã nhận được đề xuất bằng văn bản của phía Ukraine về một thỏa thuận giữa các bên “được xây dựng một cách rõ ràng”. Trong đó, đề cập tới lệnh cấm sản xuất, triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời cấm các hoạt động triển khai căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Phía Ukraine đã chấp thuận quy chế phi hạt nhân và trung lập hóa nếu nhận được những bảo đảm nhất định về an ninh.

Thế nhưng, sau những tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán tại Istanbul, hai bên Nga và Ukraine không có vòng đàm phán nào tiếp theo, thay vào đó là xung đột diễn ra ngày càng khốc liệt. Cho đến nay chưa có con số thống kê chính thức nào về tổn thất của hai phía trong cuộc xung đột, song đó là những con số thiệt hại rất nặng nề về cả người và vật chất, nhất là với cuộc phản công hiện nay của Ukraine.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng kéo dài thì càng gây những hậu quả nặng nề về nhân đạo, chính trị, an ninh và kinh tế cho không chỉ các bên trực tiếp tham chiến mà còn với rất nhiều quốc gia khác, nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, làm tổn thương tới hàng tỷ người nghèo, người yếu thế. Với thế giằng co trên chiến trường hiện nay, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể còn kéo dài mà có thể không bên nào có thể giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 diễn ra đầu tháng 6 vừa qua tại Singapore, với sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng nhiều nước bao gồm Ukraine và Mỹ, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 là Indonesia đã đưa đề xuất hòa bình mà theo đó có các bên cùng ngừng bắn và thành lập khu phi quân sự (tương tự mô hình ở Triều Tiên và Hàn Quốc) giữa Nga và Ukraine, do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giám sát.

Đã có nhiều đề xuất, hội nghị nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự tại Ukraine nhưng triển vọng đều khá mờ mịt do lập trường của hai bên trong cuộc xung đột còn quá khác biệt nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đóng hoàn toàn cánh cửa đàm phán hòa bình. Đề xuất của Indonesia, Hội nghị Hòa bình Ukraine tại Arabia Saudi hay những hội nghị tương tự trước đó… cho thấy cánh cửa đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine vẫn luôn để ngỏ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và đó là dấu hiệu tích cực cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa của các bên liên quan cùng cả cộng đồng quốc tế.