Cảnh báo tình trạng lạm dụng truyền dịch

(ANTĐ) - Vào thời điểm này, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đang bùng phát với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Thống kê từ các quận, huyện cho thấy, chỉ trong một tuần vừa qua (22 đến 27-9), toàn thành phố ghi nhận thêm 712 ca SXH mới, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 6.057 ca. Cùng với đó, số ca SXH nặng cũng tăng nhiều và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số ca mắc, việc điều trị vì vậy không được phép chủ quan.

Điều trị sốt xuất huyết:

Cảnh báo tình trạng lạm dụng truyền dịch

(ANTĐ) - Vào thời điểm này, dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đang bùng phát với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Thống kê từ các quận, huyện cho thấy, chỉ trong một tuần vừa qua (22 đến 27-9), toàn thành phố ghi nhận thêm 712 ca SXH mới, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 6.057 ca. Cùng với đó, số ca SXH nặng cũng tăng nhiều và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số ca mắc, việc điều trị vì vậy không được phép chủ quan.

Truyền dịch, điều trị bệnh nhân SXH tại BV Đống Đa
Truyền dịch, điều trị bệnh nhân SXH tại BV Đống Đa

Nhiều ca bệnh nặng

Tại Khoa Truyền nhiễm - BV Đống Đa, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca mắc SXH mới nhập viện, đa phần bệnh nhân ở độ tuổi học sinh, thanh niên. Toàn khoa có 40 giường bệnh thì 20 giường đã phải dành riêng cho điều trị bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, do đó khoa phải tăng cường thêm 20 giường bạt để tiếp nhận điều trị bệnh nhân SXH.

Ths. BS Trần Quốc Tuấn - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, cùng với số lượng bệnh nhân tăng cao, điểm khác biệt cơ bản so với vụ dịch các năm trước là năm nay có rất nhiều bệnh nhân SXH dengue thể nặng. Gần 50% tổng số bệnh nhân SXH điều trị tại viện là SXH dengue - thể SXH nặng, trong đó nhiều ca bị biến chứng suy thận, trụy mạch, tràn dịch đa màng... đặc biệt là tình trạng bệnh nhân bị tiểu cầu thấp rất phổ biến. Một số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì sốc phản vệ, ngoài ra cũng có những trường hợp khó chẩn đoán ngay được...

Tương tự, tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, số lượng bệnh nhân mắc SXH và cúm A/H1N1 vào điều trị đều quá tải trầm trọng. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng viện này cho biết, có rất nhiều ca SXH nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng, nguyên nhân do nhập viện muộn hoặc đã điều trị tại một số phòng khám nhưng không đỡ. Đồng thời lại có những trường hợp SXH sau khi đã điều trị đỡ và được Viện cho xuất viện, nhưng do lạm dụng truyền dịch với mục đích hồi sức nhanh nên bệnh chuyển biến nguy hiểm trở lại.

Theo bác sĩ Hà, SXH có 2 dạng là sốt dengue và SXH dengue. Trong đó, sốt dengue không nguy hiểm vì không gây sốc, không gây tử vong. SXH dengue nguy hiểm hơn nhiều và có thể gây sốc, tử vong nếu không được điều trị đúng, kịp thời. Do đó, người bệnh cần căn cứ vào các triệu chứng như: sốt cao đột ngột kéo dài liên tục (2-7 ngày), đau đầu vùng trán, đau nhức 2 hố mắt, đau nhức mỏi cơ khớp toàn thân, xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, vòm họng... để kịp thời đến các cơ sở y tế khám, điều trị.

Không nên tự ý, lạm dụng truyền dịch

SXH là bệnh do virus và không có thuốc điều trị đặc hiệu, giải pháp điều trị quan trọng nhất là bù dịch và điều trị triệu chứng. Cũng vì vậy mà trên thực tế, rất nhiều người bệnh khi bị SXH đã tự ý mua dịch về nhà truyền, lạm dụng việc truyền dịch, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn cho biết, việc tự ý truyền dịch hoặc lạm dụng truyền dịch không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể gây ra nhiều hậu quả không lường trước được. Mới đây, BV Đống Đa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam mới 13 tuổi, nhập viện trong tình trạng cấp cứu SXH, mắt mũi căng mọng, tay chân phù nề. Qua làm xét nghiệm và nghe phổi, bác sĩ khám chẩn đoán bệnh nhân này bị dư dịch do đã truyền dịch quá nhiều. Kết quả siêu âm cho thấy hiện tượng tràn dịch ra màng phổi, từ đó gây suy hô hấp, nhận định rất khó qua khỏi. Các bác sĩ đã tiến hành tháo dịch bằng biện pháp lợi tiểu, ngày tháo ra đến 6 lít dịch, đồng thời phối hợp các biện pháp bù khối tiểu cầu, điều chỉnh điện giải... sau 2 ngày điều trị bệnh nhân mới hồi phục.

Theo bác sĩ Tuấn, SXH dengue bao giờ cũng có giai đoạn tái hấp thu dịch (ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh). Nếu trước đó bệnh nhân truyền quá nhiều dịch thì sẽ gây hiện tượng dư dịch, người nào có cơ tim yếu sẽ gây suy tim cấp, tình trạng dư dịch cũng gây tràn dịch đa màng, rối loạn nhiều chức năng của cơ thể, rối loạn đông máu... nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Những trường hợp như vậy vào cấp cứu tại BV Đống Đa khá nhiều. Ngoài ra, việc tự ý truyền dịch tại nhà hoặc các phòng khám không đủ điều kiện chuyên môn còn có thể xảy ra trường hợp sốc phản vệ khi truyền, nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, bệnh nhân sau khi điều trị SXH thường phải mất 7-10 ngày mới hồi phục sức khỏe hoàn toàn, do đó người nhà bệnh nhân cần chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân. Hạn chế việc mua dịch truyền, đạm về truyền cho bệnh nhân, vì không những không giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.

Tiến Hưng