Cảnh báo tiểu đường type 2 ở trẻ em

(ANTĐ) - Thông thường, bệnh đái tháo đường (tiểu đường) type 2 chỉ xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều số bệnh nhi bị mắc tiểu đường type 2.

Cảnh báo tiểu đường type 2 ở trẻ em

(ANTĐ) - Thông thường, bệnh đái tháo đường (tiểu đường) type 2 chỉ xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên do chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không hợp lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều số bệnh nhi bị mắc tiểu đường type 2.

Bệnh nhi béo phì đến khám nội tiết tại BV Nhi-Trung ương
Bệnh nhi béo phì đến khám nội tiết tại BV Nhi-Trung ương

Biến chứng của nhiều bệnh

Bệnh nhân Cống Đức Hiếu, 9 tuổi, ở quận Đống Đa - Hà Nội là bệnh nhi bị tiểu đường type 2 điển hình hiện đang có hồ sơ quản lý điều trị tại BV Nhi Trung ương. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Khám bệnh - BV Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi Hiếu nhập viện với triệu chứng béo phì, trước đó khoảng 3 tuần xuất hiện triệu chứng đái nhiều về đêm (6-7 lần mỗi đêm), kèm theo uống nước nhiều (khoảng 3 lít/ngày), ăn nhiều hơn và gầy hơn trước 4kg. Khi đến khám, bệnh nhi vẻ ngoài hoàn toàn khỏe mạnh, da, niêm mạc hồng, vùng da cổ, gáy có vết sạm da... các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị bệnh tiểu đường type 2, thể tiểu đường rất ít gặp ở trẻ em.

Theo bác sĩ Khánh, ở người lớn, tiểu đường type 2 thường có nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, nếp sống không phù hợp nên ngoài điều trị bằng thuốc người bệnh cần thay đổi các thói quen không hợp lý. Còn với trẻ em, nguyên nhân gây bệnh thường không phải do béo phì mà là triệu chứng tập hợp của nhiều bệnh lý về gene như bệnh lý sinh dục, thiểu não trí tuệ... nên việc điều trị gặp khó khăn hơn. Bác sĩ Khánh phân tích: “Với tiểu đường type 2 thì việc điều tiết lượng dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng, song nhiều trẻ em mắc bệnh này bị thiểu năng trí tuệ nên rất khó hướng dẫn bé tuân thủ điều trị”.

Ngoài nguyên nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh lý, một số chuyên gia cho rằng tình trạng trẻ béo phì gia tăng cũng là nguyên nhân làm tăng tiểu đường type 2 ở trẻ em. Theo bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đa phần trẻ mắc tiểu đường type 2 ở nước ta thường gắn liền với chứng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng và chứng ăn uống thiếu điều độ. Một phần nguyên nhân nữa là do người lớn “nhồi nhét” cho con ăn quá nhiều. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhiều đường, thực phẩm có nhiều năng lượng, chất béo nhưng lại lười vận động, xem ti vi, chơi điện tử nhiều… cũng làm tăng tiểu đường type 2 ở trẻ em. Hệ quả là trẻ có nguy cơ bị các bệnh tim, thận, tuần hoàn máu và các chứng loạn thị cũng tăng lên.

Khó khăn trong điều trị

PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, Trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền, BV Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận quản lý điều trị cho khoảng 20 bệnh nhi tiểu đường mới, hầu hết là bệnh nhân ở Hà Nội. Trên thực tế, bệnh tiểu đường ở trẻ em nhìn chung có xu hướng tăng và được điều trị rải rác tại nhiều BV chuyên khoa cũng như các BV tuyến tỉnh, chủ yếu là tiểu đường type 1, còn tiểu đường type 2 ở trẻ ít gặp hơn. Qua các nghiên cứu, độ tuổi mắc tiểu đường ở trẻ em trung bình là 8 tuổi, sau khoảng 6 năm điều trị thì xuất hiện biến chứng mắt, thận.

Tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2 là 2 thể tiểu đường có tính chất và cách thức điều trị khác nhau. Theo TS Hoàn, với tiểu đường type 1, bệnh nhi sẽ phải điều trị cả đời bằng cách tiêm insulin thay thế hàng tuần (khoảng 60 mũi/tháng), kiểm tra đường máu thường xuyên. Nếu dừng tiêm hoặc tiêm giảm liều thì bệnh nhân sẽ bị biến chứng, hôn mê, nặng hơn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Điều này tạo ra khó khăn rất lớn trong gánh nặng chi phí cũng như tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Trong số 180 bệnh nhi bị tiểu đường hiện đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương có đến 70 bệnh nhi thuộc hộ nghèo, gia đình không đủ khả năng chi trả. Với bệnh nhi bị tiểu đường type 2, ngoài việc điều trị bằng thuốc giống như điều trị tiểu đường type 2 ở người lớn, bệnh nhi còn phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt chặt chẽ.

PGS. TS Nguyễn Thị Hoàn cho biết thêm, bệnh tiểu đường ở trẻ em có 4 triệu chứng nhận biết cơ bản gồm: đi tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân, nếu nặng hơn thì có dấu hiệu mờ mắt. Do những triệu chứng này rất khó nhận biết và thường bị bỏ qua vì thời gian đầu đứa trẻ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, do đó rất ít bệnh nhi được phát hiện tiểu đường sớm, thường nhập viện muộn và bệnh đã xuất hiện biến chứng nặng.

Nguyễn Phan