Cảnh báo băng tan gây sốc

ANTĐ - Cảnh báo mới nhất cho rằng không thể đảo ngược quá trình băng tan ở Nam Cực, khiến mực nước biển dâng cao làm thế giới hết sức lo ngại.

Băng ở Tây Nam Cực đang tan nhanh hơn dự kiến làm dấy lên lo lắng về nước biển dâng

Trong những kết quả nghiên cứu đăng tải ngày 12-5 trên chuyên san “Geophysical Research Letters” và tạp chí “Science”, các nhà khoa học khẳng định phần lớn các khối băng ở Tây Nam Cực đã bắt đầu tan chảy và tiến trình này là không thể đảo ngược. Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn cùng với tình trạng Trái đất ấm lên hiện nay, kéo theo mực nước biển dâng cao hơn nhiều so với dự báo trong những thế kỷ tới.

Dựa trên tổng hợp và phân tích các số liệu thu thập trên mặt đất, từ trên không và qua vệ tinh trong vòng 40 năm qua, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định trên chuyên san “Geophysical Research Letters” rằng, tình trạng tan chảy ở Tây Nam Cực đang diễn ra nhanh hơn tính toán của các nhà khoa học. Theo Trưởng nhóm nghiên cứu của NASA, nhà nghiên cứu băng hà Eric Rignot đến từ Đại học Irvine ở California (Mỹ), hiện tượng này sẽ ảnh hưởng lớn đến mực nước biển trên toàn cầu khi tình trạng tan băng dự báo sẽ diễn ra trên diện rộng trong vòng 2 thế kỷ tới. 

Trong khi đó, nghiên cứu đăng trên “Science” cũng khẳng định quá trình tan băng mạnh mẽ ở Tây Nam Cực sẽ diễn ra trong vòng 200 đến 1.000 năm. Trong 2 thế kỷ tới, băng tan tại đây sẽ khiến mực nước biển tăng khoảng 1,2 m, cao hơn nhiều so với con số 26 - 82 cm mà báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) đưa ra năm 2013 khi bỏ qua ảnh hưởng của sự tan băng ở Greenland và Nam Cực. 

Cả hai nghiên cứu trên cùng có chung nhận định rằng, tốc độ tan chảy của khối băng có tên gọi Thwaites là đáng lo ngại nhất trong số 6 khối băng lớn ở Tây Nam Cực. Với kích thước lớn bằng bang New Mexico (315.194 km2) và Arizona (295.254 km2) của Mỹ cộng lại thì chỉ riêng việc tan chảy hoàn toàn khối băng này cũng đủ khiến mực nước biển trên thế giới tăng thêm 60 cm. 

Trước đó, theo số liệu đo đạc của Trung tâm nghiên cứu địa cực Byrd, nhiệt độ trung bình hàng năm tại Tây Nam cực đã tăng thêm 2,4 độ C trong giai đoạn từ năm 1950 đến 2010, cao gấp 3 lần so với mức tăng nhiệt trung bình trên toàn cầu và là khu vực có mức tăng nhiệt cao nhất trên thế giới. Tốc độ tăng nhiệt quá nhanh tại Tây Nam cực cũng là nguyên nhân khiến các dòng sông băng ở khu vực này tan chảy nhanh hơn dự đoán và điều này càng đẩy nhanh tốc độ gia tăng của mực nước biển. 

Các kết quả nghiên cứu mới nhất cùng có chung đánh giá rằng, hiện tượng tan băng nhanh ở Nam Cực được cho là hệ quả của quá trình biến đổi khí hậu, do lượng khí gây hiệu ứng nhà kính sinh ra từ hoạt động đốt nguyên liệu hóa thạch của con người ảnh hưởng đến các luồng gió ở khắp Nam Cực, đẩy các dòng nước ấm chảy về phía lục địa băng này, làm tăng tốc độ tan chảy của những khối băng. Các nhà khoa học khẳng định, việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu có thể làm chậm tốc độ tan chảy với tốc độ của băng ở Tây Nam Cực vốn “đóng góp” khoảng 0,3 mm mực nước biển gia tăng mỗi năm song không thể đảo ngược quá trình này.