Căng thẳng Nga-Ukraine: Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm tiền đồn chống Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất khó xử trước nguy cơ bị cuốn vào cuộc xung đột tiềm tàng, mà quân đội nước này sẽ là lực lượng phải đi đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm "người hòa giải"

Mới đây, đại diện báo chí của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là ông Ibrahim Kalin tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp nền tảng cho các cuộc đàm phán hòa giải giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky.

"Tổng thống Erdogan đã mời cả hai nhà lãnh đạo đến Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức một cuộc họp để giải quyết các vấn đề và sự khác biệt giữa họ. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng bất kỳ vai trò nào có thể để giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine" - ông Ibrahim Kalin nói.

Ngoài ra, vị thư ký báo chí của ông Erdogan cũng nói rằng, trong một động thái có liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ thực hiện một chuyến thăm Ukraine.

"Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ thăm Ukraine trong những tuần tới và gặp Tổng thống Vladimir Zelensky. Đồng thời, chúng tôi sẽ liên hệ chặt chẽ với Nga để tránh bất kỳ hành động quân sự nào có thể bùng phát, gây những hậu quả nghiêm trọng" - ông Kalin nói.

Căng thẳng Nga-Ukraine khiến NATO hồi tháng 12/2021 đã báo động lực lượng VJTF mà Thổ Nhĩ Kỳ là nước lãnh đạo
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến NATO hồi tháng 12/2021 đã báo động lực lượng VJTF mà Thổ Nhĩ Kỳ là nước lãnh đạo

Được biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi năm ngoái đã nhiều lần đưa ra tuyên bố về việc Ankara mong muốn tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev.

Trong các cuộc điện đàm vào tháng 12 năm 2021, Tổng thống Vladimr Putin đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Ukraine đang tiếp tục đường lối phá hoại của mình, với mục đích là phá vỡ các thỏa thuận Minsk.

Trước đó, giới chức lãnh đạo Ankara đã cho biết rằng, nếu không may xảy ra cuộc chiến tranh giữa Moscow với Kiev, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phối hợp với các bước đi của Mỹ-NATO, mà sẽ hành động độc lập để bảo vệ lợi ích của chính mình, bất kể việc nước này là thành viên NATO và đang có quan hệ mật thiết với Ukraine.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chiến tranh Nga-NATO?

Theo giới phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ lập trường hòa giải Nga-Ukraine và không tham dự vào hoạt động quân sự chống Nga của NATO phản ánh chính sách đối ngoại của chính quyền Ankara, vốn có đặc điểm là rất linh hoạt, với mục đích nhất quán là bảo vệ lợi ích quốc gia.

Việc Tổng thống Erdogan có những động thái tăng cường mối liên kết giữa hai người đồng cấp Nga và Ukraine xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản sau:

Một là: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đẩy lên tuyến đầu

Hiện nay, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia “Lực lượng đặc nhiệm chung sẵn sàng cao” (Very High Readiness Joint Task Force -VJTF) - trụ cột của Lực lượng phản ứng nhanh của Liên minh NATO (NRF) - đội quân tinh nhuệ được khối này thành lập vào năm 2014, với mục đích chính là kiềm chế Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Thậm chí, vào năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ còn đảm nhận trọng trách (luân phiên) chỉ huy lực lượng VJTF. Lực lượng quân sự của nước này không thể tránh khỏi việc phải tham gia vào các cuộc chiến tranh của khối NATO, trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Tập thể.

Cuối tháng 12/2021, NATO đã ra lệnh tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của 40 nghìn binh sĩ NRF, liên quan đến việc di chuyển quân đội Nga gần biên giới với Ukraine.

Việc chiến sự Nga-Ukraine bùng phát sẽ đẩy lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào tình huống đối đầu trực tiếp với Quân đội Nga, mà đây là điều không một tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ nào mong muốn, bởi không ai có thể thắng trong cuộc chiến với một cường quốc quân sự, lại sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới như Nga.

Do đó, để tránh cho giới quân sự không bị đẩy vào tình huống khó khăn, giới chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải ra tay hòa giải mâu thuẫn Nga-Ukraine.

Hai là: Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với Nga

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang có quan hệ hợp tác hết sức mật thiết trong cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế và quân sự.

Moscow hiện đang hợp tác chặt chẽ với Ankara trong vấn đề Syria, đảm bảo không để xảy ra xung đột giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với Quân đội Syria (SAA) và giữa Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) ở miền bắc Syria.

Moscow đang cho Ankara vay vốn, giúp đỡ công nghệ và trực tiếp xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ; còn tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (Turk Stream) có công suất 15,75 tỷ m3 khí đốt với giá ưu đãi. Hai dự án năng lượng trên có vai trò vô cùng quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng của nước này.

Bên cạnh đó, lượng khách du lịch lớn từ Nga và kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp hàng năm cũng đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga cũng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tấm khiên cực kỳ vững chắc để bảo vệ không phận của đất nước với hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph và trong tương lai có thể có cả các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 hay Sukhoi Su-75 Checkmate.

Có thể nói rằng, với những lợi ích vô cùng lớn nhận được từ mối quan hệ hợp tác vô điều kiện với Moscow, Ankara chắc chắn sẽ không dại mà hợp tác cùng NATO và Ukraine chống lại Nga. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng hết sức hòa giải mối bất hòa giữa hai bên.