Căng thẳng Nga-NATO: Vũ khí hạt nhân sẽ tới Belarus nếu bom B-61 xuất hiện ở Ba Lan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Căng thẳng Nga-NATO đang tiếp tục leo thang khi Nga để ngỏ khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, nếu Mỹ đưa bom hạt nhân B-61 tới Ba Lan.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 18-12 công bố các dự thảo thỏa thuận giữa Nga với Mỹ và Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) về đảm bảo an ninh. Một trong những điểm quan trọng của dự án được đề xuất là NATO phải đảm bảo không tiếp tục tiến sang phía đông, cụ thể là không được mở rộng liên minh tới lãnh thổ Ukraine hay triển khai các vũ khí tấn công ở sát nước Nga.

Trước đó, các tài liệu này đã được chuyển cho Mỹ và các đồng minh với lời nhắn gửi là “nếu NATO và Washington không đáp ứng yêu cầu của Moscow về đảm bảo an ninh, điều này có thể dẫn đến một vòng đối đầu mới”.

Hôm 21-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói với các phóng viên rằng, nếu Mỹ và NATO từ chối thảo luận với Nga các đề xuất về đảm bảo an ninh, Moscow sẽ xem xét tất cả các phương án có thể cho các hành động đáp trả.

Ông Rudenko nhấn mạnh rằng, Nga hy vọng Mỹ hiểu được hậu quả của việc đưa quân đến Ukraine.

Căng thẳng Nga-NATO tiềm ẩn khả năng biến thành xung đột vũ trang nếu Mỹ đưa bom hạt nhân B-61 đến Ba Lan và Nga triển khai tên lửa hạt nhân ở Belarus
Căng thẳng Nga-NATO tiềm ẩn khả năng biến thành xung đột vũ trang nếu Mỹ đưa bom hạt nhân B-61 đến Ba Lan và Nga triển khai tên lửa hạt nhân ở Belarus

"Chúng tôi tin rằng những bước đi như vậy sẽ chỉ làm leo thang hơn nữa tình hình xung quanh Ukraine và trong mối quan hệ của Nga với phương Tây nói chung, bao gồm cả Mỹ. Tôi tin rằng ở Washington vẫn còn có những người chín chắn, tỉnh táo để hiểu rõ sự nguy hiểm của những hành động như vậy" - ông Rudenko nói với các phóng viên.

Khi trả lời câu hỏi của hãng tin Sputnik về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, ông Rudenko nói rằng, Moscow đã nghe được các đề xuất như vậy từ phía chính quyền Minsk và tất cả các vấn đề đều được xem xét kỹ lưỡng trong tổng thể các biện pháp đáp trả.

“Tất cả các lựa chọn sẽ được cân nhắc, nhưng như tôi đã nói, nhiều điều sẽ phụ thuộc vào phản ứng mà chúng tôi mong đợi nhận được từ Mỹ và NATO” – Thứ trưởng Nga nhắc lại.

Trước đó, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti rằng, Belarus sẽ đề nghị Nga đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu NATO thực hiện bước tương tự đi ở Ba Lan (di chuyển kho bom hạt nhân B-61 ở Đức sang Ba Lan, quóc gia láng giềng của Belarus).

Trước câu hỏi những hệ thống nào đang được đề cập, người đứng đầu nhà nước Belarus thận trọng cho biết, Moscow và Minsk sẽ thỏa thuận với nhau về hệ thống nào có thể được triển khai. Theo ông, vũ khí hạt nhân sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi có những tiếp xúc như vậy và khẳng định ông đã sẵn sàng cho việc tái triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus.

“Tôi, với tư cách là một người biết tính toán, đã không phá hủy bất cứ thứ gì (liên quan đến hạ tầng hạt nhân). Tất cả các ‘nhà kho’ vẫn còn nguyên vẹn” - ông Lukashenko nói thêm, ám chỉ việc cơ sở hạ tầng để triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus vẫn còn được bảo quản tốt.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã vào năm 1991, Minsk đã trở thành “người thừa kế” 81 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) SS-25 Sickle (RT-2PM Topol) của Liên Xô, cùng hơn 1000 đầu đạn hạt nhân (đầu đạn đơn) của các tên lửa này và toàn bộ hạ tầng phóng được triển khai trên lãnh thổ Belarus.

Số lượng vũ khí hạt nhân khổng lồ cùng toàn bộ hạ tầng phóng sẵn có đã biến Belarus, nước Cộng hòa vừa tách khỏi Liên bang Xô viết vào thời điểm đó trở thành cường quốc hạt nhân số 5 thế giới (sau Nga, Mỹ, Ukraine, Kazakhstan); vượt trội so với Anh, Pháp, Trung Quốc.

Mặc dù vào tháng 11/1996, Belarus đã hoàn tất việc tháo dỡ các tên lửa và đầu đạn hạt nhân để trao trả cho Nga, để chính thức trở thành quốc gia phi vũ khí hạt nhân nhưng với nền tảng công nghệ và các hạ tầng hạt nhân sẵn có ở Belarus, Nga có thể nhanh chóng tái triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này.

Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ và NATO cứ ngoan cố triển khai bom hạt nhân B-61 ở Ba Lan, dẫn đến việc Belarus đồng ý triển khai tên lửa hạt nhân Nga ở lãnh thổ nước này, châu Âu và thế giới lại sa vào một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới.