Cần giảm giá hàng hóa để kích thích tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 khi mà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…
Cần giảm thuế, giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng

Cần giảm thuế, giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng

Theo bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bên cạnh giải pháp kích cầu đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững thì kích thích tiêu dùng là cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng cuối năm 2023.

Kích cầu tiêu dùng được coi là giải pháp hữu hiệu khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…

Để kích cầu tiêu dùng, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.

Đồng thời, thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn. Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm giảm, nhờ đó doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Chính sách này cũng tác động trở lại giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do tăng nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;

Tổng cục Thống kê cũng lưu ý cần dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 7,7%.

Dù vậy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%). Do đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 sẽ là thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều yếu kém, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%; nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%.