Cần điều trị tâm lý cho nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các trận động đất lớn xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6-2 không chỉ gây chết chóc và sự tàn phá mà còn để lại những tổn thương sâu sắc cho những người sống sót. Các chuyên gia cho rằng, công cuộc tái thiết còn cần chú ý đến yếu tố giúp mọi người đối phó với chấn thương tâm lý và quay trở lại cuộc sống thường ngày.
Một nạn nhân tuyệt vọng tại hiện trường vụ sập nhà sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Một nạn nhân tuyệt vọng tại hiện trường vụ sập nhà sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Phản ứng sinh lý và cảm xúc bất thường

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có mặt tại các khu vực bị động đất để giúp người dân đối phó với tác động tàn phá của thảm họa còn có các chuyên gia tâm lý. Trong số này, ông Gokhan Malkoc, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Medipol Istanbul đã đến 7 trong số 10 tỉnh bị ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đồng nghiệp của mình. “Thảm họa thiên nhiên dẫn đến những cảm xúc nhất định như tức giận, đau buồn và lo lắng ở những người trải qua biến cố lớn”, ông nói. Theo Giáo sư Malkoc, hầu hết những người sống sót sau thảm họa đều bị sốc trong vài ngày sau sự cố như vậy. Trạng thái tâm lý căng thẳng này khiến họ khó điều chỉnh cảm xúc, cơ thể họ phải thích nghi bằng cách tạo ra những phản ứng sinh lý, hành vi và cảm xúc bất thường. “Một người lớn không thể ngủ hoặc không thể vào không gian kín là một số phản ứng cực đoan mà chúng tôi đã quan sát thấy trong quá khứ ở những người sống sót sau thảm họa”, chuyên gia này phân tích.

Theo dữ liệu do Bộ Môi trường, Đô thị hóa và Biến đổi khí hậu của Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ, thảm họa đã ảnh hưởng đến khoảng 13,5 triệu người ở nước này. Cùng với đó, 84.726 tòa nhà với 332.947 nhà riêng đã bị sập hoặc bị hư hại nặng nề, khiến hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Ông Malkoc cho biết, các hỗ trợ dài hạn nên chú ý đến khía cạnh tâm lý, xã hội, trong đó giúp những người sống sót ở mọi lứa tuổi hiểu được hoàn cảnh mà họ trải qua và cuối cùng trở lại cuộc sống như trước trận động đất.

Tương tự, bà Cigdem Yumbul, một nhà trị liệu tâm lý của Hiệp hội Tâm lý Thổ Nhĩ Kỳ, người cũng đã đến thăm các khu vực bị động đất tàn phá cho biết, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) là tình trạng phổ biến nhất ở những người sống sót sau thảm họa, khi nhiều người chứng kiến người thân và bạn bè của họ chết hoặc mắc kẹt dưới đống đổ nát nhiều ngày trước khi được cứu. Ngoài ra, cuộc sống không hy vọng do mất nhà cửa và cơ sở kinh doanh càng khiến họ thêm đau khổ. “Các nghiên cứu cho thấy rằng đại đa số những người trải qua các sự kiện chấn động tâm lý hàng loạt như thảm họa, nếu họ có đủ sự hỗ trợ về vật chất và xã hội, họ có thể chữa lành khỏi các phản ứng căng thẳng sang chấn trong vòng 6 tháng đến 1 năm”.

Trẻ em nên được trở lại trường càng sớm càng tốt

Trong khi đó, tổ chức từ thiện quốc tế Save the Children đã cảnh báo rằng, sức khỏe tinh thần và phúc lợi của 7 triệu trẻ em ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có nguy cơ bị ảnh hưởng trong nhiều năm tới do các trận động đất thảm khốc. Tổ chức này kêu gọi hỗ trợ tâm lý xã hội cùng với viện trợ nhân đạo trên khắp khu vực bị động đất.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cho biết, các trường đại học trên toàn quốc sẽ học trực tuyến trong học kỳ đang diễn ra, khi các ký túc xá sinh viên do nhà nước sở hữu sẽ được sử dụng làm nơi ở cho những người sống sót sau động đất. Học sinh tiểu học và trung học trên toàn quốc ngày 20-2 đã trở lại trường học, trừ những học sinh ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Ở những khu vực này, các trường học sẽ đóng cửa ít nhất cho đến ngày 1-3.

Giáo sư Malkoc cho biết, việc quay trở lại lớp học sẽ là liệu pháp chữa bệnh cho trẻ em ở những khu vực bị động đất tàn phá. “Tốt nhất là bắt đầu giáo dục tại chỗ càng sớm càng tốt, sau khi thiết lập các khu nhà ở bằng lều và container cùng trường học kèm theo. Cũng có thể xem xét mô hình chuyển học sinh đến các thành phố khác để học tập. Trẻ em và thanh thiếu niên thích nghi với cuộc sống thường ngày nói chung dễ dàng hơn người lớn sau những tổn thương như vậy”, ông Malkoc nói.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây mới gần 200.000 ngôi nhà ở vùng hứng chịu động đất

Ngày 20-2, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây mới gần 200.000 ngôi nhà ở khu vực Đông Nam nước này, nơi hai tuần trước hứng chịu động đất lớn. Phát biểu sau chuyến thị sát tại tỉnh Hatay, Tổng thống Erdogan cho hay khoảng 118.000 tòa nhà đã bị sập, cần phải phá dỡ khẩn cấp hoặc bị hư hại nghiêm trọng do trận động đất mạnh 7,8 richter xảy ra ngày 6-2. Công tác tái thiết sẽ bắt đầu vào tháng 3, với việc xây mới 199.739 ngôi nhà, trong đó có hơn 130.000 ngôi nhà ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hatay, Kahramanmaras và Malatya. Tất cả nhà xây mới sẽ được xây dựng trên nền đất chắc chắn, nằm xa các đường đứt gãy địa chất và chỉ cao tối đa 4 tầng. Ông cho biết nhà chức trách sẽ bắt đầu đưa những người dân đang sinh sống trong các lều trại và container đến nhà mới, kiên cố và an toàn, trong vòng một năm. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp chỗ ở tạm cho khoảng 1,6 triệu người trong khu vực.