Cần điểm nhấn cho quy hoạch Thủ đô

(ANTĐ) - Đó là ý kiến của TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội nghị “Xin ý kiến các nhà khoa học về chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do HĐND thành phố tổ chức sáng 2-4.

Cần điểm nhấn cho quy hoạch Thủ đô

(ANTĐ) - Đó là ý kiến của TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại hội nghị “Xin ý kiến các nhà khoa học về chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do HĐND thành phố tổ chức sáng 2-4.

Một dây chuyền lắp ráp ôtô
Một dây chuyền lắp ráp ôtô

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, các mục tiêu của “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được xây dựng theo cách thức truyền thống, tham vọng nhiều nhưng tính khả thi chưa cao.

Đồng tình với quan điểm của TS. Trần Đình Thiên, GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng: “Hà Nội cần xác định mục tiêu nào là ngắn hạn, mục tiêu nào là dài hạn để có biện pháp thực hiện cụ thể”. Ví dụ, phải xác định được công việc quy hoạch không gian đô thị là mục tiêu dài hạn, từ đó có bước đi phù hợp cho từng giai đoạn.

Theo GS.TSKH Lê Du Phong - nguyên Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, 2 văn bản này nên thống nhất với nhau về thời gian. Bên cạnh đó, những mục tiêu phát triển, thách thức, thuận lợi cũng cần tương đồng. GS.TSKH Nguyễn Mại - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Nên thống nhất mốc thời gian cho 2 văn bản là chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Tầm nhìn đến năm 2050 cho 1 kế hoạch phát triển là quá dài bởi sự vận động kinh tế - xã hội trong thực tế có thể làm đảo lộn những kế hoạch đã vạch ra. Ông Mại cho rằng, nên xây dựng mục tiêu phát triển cụ thể cho năm 2011, từ đó tạo nền tảng cho năm 2015 và đến khoảng năm 2014, thành phố sẽ bàn kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020. GS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cũng nhận định, tầm nhìn của 2 văn bản trên là quá tham vọng và thiếu những cơ sở thực tế.

Đánh giá mục tiêu phát kinh tế của Chiến lược và Quy hoạch, ông Lê Du Phong kiến nghị: “Quy hoạch phát triển mới đề cập đến các ngành kinh tế, còn các thành phần kinh tế, vùng kinh tế chưa thấu đáo. Hà Nội mở rộng đang tồn tại các vùng kinh tế rất khác nhau”. Hơn nữa, tính toán phát triển dài hạn, Hà Nội nên coi trọng quy hoạch dân cư, đất đai… để chủ động bố trí, phân phối nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội phù hợp.

Nhìn lại quá trình đô thị hóa 10 năm qua, sự chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra thành thị rất lớn. Nội tại thành phố đang có sự chênh lệch lớn về thu nhập, dân trí, giáo dục… “Cần lấy tư duy phát triển đô thị hiện đại làm nền tảng. Thành phố nên dành 2-3 năm để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng của Thủ đô, tạo sự phát triển đồng đều” - GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh. Cũng theo ông Mại, Hà Nội nên quan tâm tới 4 ngành công nghiệp trong tương lai là: Công nghiệp điện tử, công nghiệp sinh học, công nghiệp vũ trụ và công nghiệp dược.

Đóng góp ý kiến cho mục tiêu phát triển giáo dục, TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm UB VHGD TTN&NĐ Quốc hội chia sẻ: “Hà Nội muốn xây dựng nền giáo dục phổ thông hiện đại, tiên tiến thì trong vòng 5-10 năm tới, thành phố phải giải quyết các vấn đề hạn chế của giáo dục hiện đại như: đưa sĩ số học sinh xuống còn 20-25 em/lớp thay vì 40 em/lớp như hiện tại; đầu tư xây dựng trường để giáo dục toàn diện: trí, đức, thể, mỹ; khắc phục tình trạng chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các trường nhằm loại bỏ tình trạng chạy trường, chạy lớp, thực hiện giáo dục bình đẳng; quan tâm bồi dưỡng đạo đức và chuyên môn giáo viên”. Giáo dục được coi là nền tảng để xây dựng đô thị có nền công nghiệp phát triển. Hiện tại, hàm lượng chất xám tập trung rất đông tại Thủ đô nhưng chưa phát huy được nhiều hiệu quả trong thực tế.

Các nhà khoa học tham gia góp ý cho 2 văn bản về kế hoạch phát triển dài hạn của Thủ đô còn cho rằng: “Các văn bản này cần có giải pháp thực hiện cụ thể hơn, chi tiết hơn thay vì dừng lại ở những giải pháp chung chung, chưa có gì đổi mới như hiện tại”. GS.TSKH Đặng Hùng Võ tin tưởng: “Sự ra đời của Luật Thủ đô sắp tới sẽ là căn cứ để Hà Nội thực hiện được các kế hoạch đã nêu”.

Vân Hằng