Căn bệnh kinh niên của thể thao Việt Nam: Đã nghèo còn “tiêu hoang”

ANTĐ - Lãng phí đang dần trở thành căn bệnh trầm kha của ngành thể thao. Nguy hiểm hơn, bên cạnh tiền của Nhà nước, những tài năng thể thao cũng đang là đối tượng nằm trong hệ quy chiếu ấy.

Quý Phước thiệt thòi khi không được cọ xát cùng các VĐV hàng đầu thế giới

Mỗi năm, Nhà nước đầu tư cho ngành thể thao hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền trên luôn bị coi là ít khi phải duy trì hơn 40 môn đỉnh cao lẫn các phong trào thể thao quần chúng. Trong tình cảnh khó khăn chung, không ít bộ môn đã phải cắt giảm đến mức tối thiểu. Đội tuyển bắn súng Lào khi sang tham quan một buổi tập của các đồng nghiệp Việt Nam đã không thể ngờ, những nhà vô địch SEA Games như Xuân Vinh, Minh Thành… lại phải tập luyện bia cơ lỗi thời, tập bắn chay (3 phát thì chỉ một phát dùng đạn). Chuyện khó khăn, thiếu thốn trong tập luyện, thi đấu đã trở thành câu chuyện chung của thể thao Việt Nam và chúng ta buộc phải chấp nhận nó. Nhưng có một điều không thể chấp nhận là trong khi cả ngành thể thao phải thắt lưng buộc bụng thì nhiều khoản tiền lại bị lãng phí một cách khó hiểu. 

Trước mỗi giải đấu lớn, người ta lại bất ngờ khi trong danh sách đăng ký lại có nhiều người không phải VĐV, HLV, lãnh đạo đội nhưng cũng có tên. Ngay như Para Games 2011 vừa qua, vài VĐV khuyết tật đã lên tiếng bức xúc khi có quá nhiều “người lạ” đi theo đoàn bằng tiền ngân sách, trong khi nhiều VĐV tài năng phải cho ở nhà vì… số lượng có hạn. Bên cạnh đó là những chuyến tập huấn gây tranh cãi. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu là thời gian và địa điểm tập huấn không hợp lý. Mới nhất là chuyến tập huấn của tuyển bơi tại Mỹ gây bức xúc dư luận thời gian qua. Hơn 4 tỷ đồng cho 6 tháng tập huấn, song đáng tiếc, ngoài Ánh Viên đạt chuẩn B (200m ngửa), thành tích của các VĐV đều đi xuống thảm hại. Đáng nói hơn, mũi nhọn Quý Phước lại bất ngờ không có tên tham dự giải. Bất kể vì nguyên nhân gì thì đây là thiệt thòi lớn của tay bơi Đà Nẵng khi mất cơ hội dự một giải đấu tầm cỡ thế giới, cọ xát cùng các VĐV hàng đầu như Michael Phelps, Adrian Nathan,   Alexander Coville… đồng thời, mất cơ hội kiểm chứng phong độ trước sân chơi quan trọng Olympic. 

Cũng liên quan đến tập huấn, người ta vẫn chưa quên chuyện ngôi sao Vũ Thị Hương sau khi giành 1 HCĐ, 1 HCB ASIAD 2010 đã “phải” dự liên tiếp các giải đấu tại Đức, để rồi chấn thương và thành tích bết bát kể từ đó. Trong khi đó, VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc chẳng có nổi một chuyến tập huấn, song chính cô lại là người mang về tấm vé Olympic đầu tiên cho điền kinh. Đủ thấy, cách tiêu tiền của ngành thể thao cho việc tập huấn có vấn đề. 

Lãng phí tiền là 1 nhẽ, nhưng còn có thứ lãng phí nguy hiểm hơn tiền bạc, đó là lãng phí tài năng. Các gia đình kinh tế khá giả thường không cho con cái theo nghiệp VĐV, vô hình trung khiến thể thao nước nhà mất đi nguồn lực đáng kể. Thực tế với thu nhập hiện nay, VĐV không thể sống tốt bằng nghiệp thể thao. Nhiều VĐV đã phải từ bỏ để chuyển sang công việc khác đỡ vất vả hơn, có tương lai hơn. Đa số VĐV hiện nay đều xuất thân từ nghèo khó, theo đuổi thể thao đôi khi chỉ để có khoản tiền đủ sống qua ngày. Nguy hiểm hơn, nhiều VĐV có tài năng, có khát khao cống hiến lại bị đối xử thiếu công bằng, là nạn nhận từ căn bệnh lãng phí kể trên của ngành thể thao. Phải chăng thể thao Việt Nam dù giàu có tài năng song thành tích vẫn cứ èo uột suốt nhiều năm qua là bởi căn bệnh lãng phí này?

Liên quan đến thắc mắc khi Quý Phước là VĐV duy nhất của tuyển bơi không được dự giải Indianapolis Grand Prix, một lãnh đạo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho hay: “Đầu năm, Quý Phước do vướng mắc thủ tục, sang Mỹ muộn hơn 10 ngày nên chậm đăng ký với BTC giải. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, hạn đăng ký dự giải là đến hết tháng 2 (khi Phước đã có mặt tại Mỹ), nhưng không hiểu sao HLV Anh Tuấn lại không đăng ký. Để sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đang chờ câu trả lời của trưởng bộ môn Đinh Việt Hùng, khi ông này sẽ từ Mỹ trở về trong vài ngày tới”.