Cấm vận gặp nhiều rắc rối, châu Âu âm thầm nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dưới những tác động tiêu cực trên quy mô toàn cầu từ những lệnh cấm vận của phương Tây với Nga, thời gian gần đây, châu Âu đang âm thầm từng bước nới lỏng các biện pháp trừng phạt này.
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder kêu gọi đưa đường ống Nord Stream 2 từ Nga sang Đức vào vận hành để giải quyết vấn đề thiếu năng lượng của châu Âu

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder kêu gọi đưa đường ống Nord Stream 2 từ Nga sang Đức vào vận hành để giải quyết vấn đề thiếu năng lượng của châu Âu

“Chiếc thòng lọng” đang nới dần

Hôm 1-8 vừa qua, Bộ Thương mại quốc tế Anh đã công bố sửa đổi trong quy định hướng dẫn “Giấy phép thương mại chung các biện pháp trừng phạt đối với Nga”. Theo đó, cho phép các công ty cung cấp bảo hiểm và tái bảo hiểm cho máy bay, tàu thủy và các phụ tùng cho thực thể có liên kết với Nga. Ông Patrick Davison - Giám đốc Hiệp hội thị trường Lloyd’s, cho biết: “Không có lệnh cấm hiện tại nào của Vương quốc Anh ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu Nga trên toàn cầu”.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng có hành động tương tự khi quyết định bổ sung các điều khoản miễn trừ trong các lệnh trừng phạt Nga, giúp các nước ngoài EU giao dịch với các thực thể bị trừng phạt của Nga, trong đó có các ngân hàng và công ty nhà nước Nga như Rosneft. Thông cáo của EU nêu rõ: “EU cam kết tránh để các biện pháp trừng phạt dẫn đến mất an ninh lương thực trên toàn cầu. EU không áp dụng biện pháp nào để cản trở quá trình giao thương nông sản, thực phẩm, trong đó có lúa mì, phân bón, giữa các nước thứ ba và Nga”. Ngay cả lệnh cấm vận dầu mỏ mà EU áp đặt với Nga hồi tháng 5-2022 cũng có những điều chỉnh. Trước đó, toàn bộ việc nhập khẩu dầu của Nga được vận chuyển qua đường biển, việc bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga sang nước thứ ba đều bị cấm. Các tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu như Shell, Total, Vitol, Glencore và Trafigura đều đã phải ngừng mọi giao dịch dầu của Nga cho các bên thứ ba.

Với điều chỉnh mới, EU cho phép nối lại một phần lớn các hoạt động này, bao gồm cho phép các tập đoàn dầu khí Nga bán dầu cho bên thứ ba, cho phép thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến bán dầu của Nga, cho phép các công ty EU ký hợp đồng vận chuyển hoặc bảo hiểm cho các tàu dầu của Nga bán cho bên thứ ba. Các tập đoàn dầu khí Nga như Rosneft và Gazprom sẽ có thể vận chuyển dầu đến các nước ngoài EU.

Biện pháp áp giá trần dầu mà Mỹ và Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) định áp đặt với Nga cũng không diễn ra theo kế hoạch. Trước đó, Mỹ tìm cách tập hợp các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, thực hiện biện pháp áp giá trần thấp hơn giá thị trường với dầu lửa của Nga. Tuy nhiên, hiện nay các quan chức G7 cho biết, sau khi cân nhắc lựa chọn áp giá trần và các lựa chọn khác, G7 cũng phải xem xét các cơ chế giảm thiểu tác động và các biện pháp để đảm bảo các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhất vẫn có thể tiếp cận thị trường năng lượng, trong đó có thị trường Nga. Nói cách khác, cũng giống như EU, G7 sẽ thận trọng để tránh gây ra thiệt hại ngoài ý muốn cho các nước không liên quan đến xung đột ở Ukraine, cho phép các nước này mua dầu Nga tự do. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen giải thích: “Chúng tôi muốn dầu Nga vẫn được bán trên thị trường quốc tế nhằm bình ổn giá, nhưng đồng thời đảm bảo rằng Matxcơva không kiếm được quá nhiều lợi nhuận”.

Nghịch lý quanh những biện pháp trừng phạt

Việc Mỹ và châu Âu buộc phải điều chỉnh các biện pháp trừng phạt Nga xuất phát từ thực tế các biện pháp này không hiệu quả theo dự kiến, thay vào đó lại đang gây tổn thương hoặc đe dọa làm tổn thương các bên thứ ba không tham gia cuộc xung đột Nga - Ukraine. Không những thế, chính các nước ban hành lệnh cấm vận cũng chịu ảnh hưởng, nhất là khi Nga phản đòn. Tuần trước, công ty khí đốt quốc doanh Nga là Gazprom đã cắt giảm cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 về mức chỉ bằng 20% công suất đường ống, đẩy phương Tây vào một tình huống chưa từng có tiền lệ là có thể không có đủ khí đốt cho mùa đông sắp tới. Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã phải lên tiếng kêu gọi Đức đưa đường ống Nord Stream 2 vào vận hành để hóa giải vấn đề thiếu năng lượng, từ đó giảm gánh nặng tài chính cho người dân châu Âu. Mỹ thì vội vã cử ông Amos Hochstein - Điều phối viên của Tổng thống về vấn đề năng lượng toàn cầu, tới châu Âu để thảo luận kế hoạch khẩn cấp với “đội đặc nhiệm” năng lượng Mỹ - EU. Mỹ lo ngại cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt trước thềm mùa đông năm nay ở châu Âu có thể lan sang Mỹ, đẩy giá khí đốt và giá điện ở nước này tăng vọt.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, EU cũng nhận ra rằng, trừng phạt Nga không dễ dàng như trừng phạt một nhà xuất khẩu dầu nhỏ, đặc biệt khi Nga là nước xuất khẩu nhiều thứ quan trọng khác, như thực phẩm để nuôi sống người dân bên ngoài nước Nga, phân bón, kim loại… Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đang khiến các mặt hàng này bị thiếu hụt và tăng giá mạnh, khiến nhiều nước bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, cho đến nay, ngoài Mỹ và các đồng minh, hầu như không có nước nào ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương với Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố Bắc Kinh kịch liệt phản đối kế hoạch của Washington nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc và Nga tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại bình thường dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Việc hợp tác giữa Bắc Kinh với Matxcơva không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai. Vì thế, Trung Quốc sẽ không dung thứ cho sự can thiệp từ bên ngoài”.

Đặc biệt, có nhiều thông tin cho thấy nghịch lý là dù cấm vận dầu mỏ của Nga nhưng châu Âu lại đang âm thầm mua rất nhiều dầu của Nga thông qua các kênh bí mật khác nhằm tích trữ. Việc nới lỏng các lệnh cấm bán dầu của Nga cho nước thứ ba có thể cũng là vì mục đích đó. Nhìn chung, dù châu Âu phủ nhận nhưng các động thái mới đây cho thấy, khối này không dễ gì đạt được mọi mục đích làm tổn hại Nga khi cấm vận dầu bởi giá dầu mỏ thế giới vẫn đang rất cao và Nga vẫn đang bán được rất nhiều cho các nước khác ngoài châu Âu. Các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga cũng dễ dàng quay trở lại EU. Ấn Độ, Saudi Arabia đã mua dầu của Nga, đưa vào các nhà máy lọc dầu rồi bán các sản phẩm tinh chế cho EU. Khi các sản phẩm này tới EU, vận đơn sẽ không đề cập gì đến Nga. Ông Alastair Crooke - Giám đốc một diễn đàn phi lợi nhuận có trụ sở tại Liban, nhận định: “Nói tóm lại, EU đang âm thầm tạo điều kiện thuận lợi để các nước vượt qua các biện pháp trừng phạt do chính mình áp đặt”.