Cải thiện an toàn trường học Mỹ: Cần nhưng chưa đủ

ANTD.VN - Hạ viện Mỹ sau nhiều tranh cãi đã thông qua dự luật nhằm cải thiện an toàn trường học, song điều này mới chỉ là một trong những điều kiện cần chứ chưa thể đủ để các trường học ở quốc gia này thực sự được an toàn.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố thông qua dự luật Chấm dứt bạo lực để đảm bảo an toàn trường học 

Hạ viện Mỹ ngày 14-3 đã thông qua Dự luật Chấm dứt bạo lực trường học nhằm đảm bảo an toàn trường học. Dự luật được thông qua trong bối cảnh học sinh Mỹ đang tuần hành lớn trên quy mô toàn quốc nhằm kêu gọi chống bạo lực súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu tại trường trung học ở Parkland (bang Florida) hồi tháng 2 khiến 17 người thiệt mạng. 

Sau khi được Hạ viện thông qua với 407 phiếu thuận và 10 phiếu chống để trình lên Thượng viện xem xét thông qua, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết, dự luật sẽ “cung cấp một cách tiếp cận đa tầng” để xác định các mối đe dọa, giúp chính quyền có thể ngăn chặn bạo lực trước khi nó xảy ra. Dự luật cho phép tài trợ 500 triệu USD trong 10 năm để cải thiện việc đào tạo và phối hợp giữa các trường học với cơ quan thực thi pháp luật địa phương cũng như giúp xác định các dấu hiệu của bạo lực tiềm ẩn. 

Việc kiểm soát bạo lực súng đạn nói chung, đặc biệt là trong trường học, đã trở nên nóng bỏng tại nước Mỹ sau vụ xả súng tại trường trung học ở Parkland, được xem là vụ xả súng tại trường học đẫm máu thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi dữ dội trong lòng nước Mỹ sau khi xảy ra vụ xả súng trường học đẫm máu nhất tại trường tiểu học ở thành phố Newtown (bang Connecticut) hồi tháng 12-2012 làm 20 học sinh và 6 giáo viên thiệt mạng.

Hậu quả ghê gớm của súng đạn với nước Mỹ đã quá rõ khi nước này có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới với khoảng 310 triệu khẩu súng/326 triệu dân và tỷ lệ thuận theo đó là số người tử vong do súng đạn. Số liệu thống kê của Gun Violence Archive cho thấy, tính từ ngày 1-1-2017 đến 28-2-2018, nước Mỹ chứng kiến 61.537 vụ bạo lực liên quan tới súng, trong đó có 346 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của 15.594 người. 

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ các vụ xả súng tại các trường học có thủ phạm là học sinh, sinh viên ở mức cao. Người ta không khỏi rùng mình khi biết rằng những kẻ sát nhân đứng sau những vụ thảm sát gần đây nhất tại Parkland và Kentucky đều còn rất trẻ - mới chỉ 19 và 15 tuổi. Mỗi năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây tổn thất tới hơn 229 tỷ USD, trong đó 8,6 tỷ USD chi phí liên quan tới việc cầm tù dài hạn những người có khả năng tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỷ USD để chữa trị, ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương và mai táng những người thiệt mạng. 

Thế nhưng, bất chấp những tổn thất sinh mạng và vật chất nặng nề, kiểm soát súng đạn lại luôn là vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc tại nước Mỹ. Những người ủng hộ sở hữu súng đạn cho rằng điều này giúp họ cảm thấy an toàn và tự vệ tốt hơn cho dù súng đạn nhan nhản ở Mỹ bởi hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất cứ sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý. Song điều quan trọng nhất là Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA) rất có thể lực và ráo riết vận động hành lang để ngăn chặn bất cứ một đạo luật hạn chế súng đạn nào ảnh hưởng doanh thu tới 3,5 tỷ USD của các thành viên hiệp hội.

Trong một tuyên bố đưa ra sau khi Hạ viện thông qua dự luật ngày 14-3, Nhà Trắng đã ca ngợi và coi đây là một bước quan trọng để bảo vệ an toàn cho học sinh Mỹ. Tuy nhiên, đạo luật kiểm soát súng đạn mới là điều mấu chốt chứ không phải dự luật này khiến nước Mỹ, đặc biệt là nhà trường, an toàn hơn trước bạo lực súng đạn - một thứ văn hóa nguy hiểm của quốc gia này.