Cái lý của FA
(ANTĐ) - Trong khi giới cầu thủ ở Serie A, La Liga hay Bundesliga đã bước vào kỳ nghỉ đông, thì ở Anh, Premier League lại càng sôi sục với mật độ thi đấu dày đặc, dù là Giáng sinh, ngày tặng quà (Boxing day) hay năm mới...Vậy, tinh thần hiệp sỹ kết hợp với tính bảo thủ đã thành thương hiệu của người Anh hay lòng tham của FA đã tạo nên sự khắc nghiệt cho Premier League?
FA tham lam
Sau một thời gian dài bị vắt kiệt sức tại các giải quốc nội cũng như đấu trường châu Âu, tất cả các CLB ở cựu lục địa đều được nghỉ ít nhất 2 tuần để lấy sức, hoặc thay vào đó là những toan tính nhân sự cho giai đoạn nước rút. Thì ở Anh, vòng quay Premier League vẫn cứ tiếp diễn với tốc độ chóng mặt.
Hãy nhìn sang Italia, Tây Ban Nha, Đức những ngày này, giới cầu thủ được trở về quê hương quây quần bên gia đình hoặc vui chơi cho đã sau những tháng ngày mệt nhọc. ở Anh, Jinge Bell hay Happy new year dường như là những nhạc phẩm quá xa xỉ. Thậm chí, các cầu thủ còn đá với mật độ dày đặc hơn thường lệ.
Chính vì thế, FA luôn bị người ta đem ra phê phán vào thời điểm này, rằng các quan chức liên đoàn vắt kiệt sức cầu thủ Premier League trong mùa đông chỉ vì… ham tiền. Không chỉ những người ngoài cuộc, mà bản thân những người trong cuộc như HLV hay cầu thủ cũng không ít lần ca thán lên FA. Đương nhiên, đằng sau sự “điên rồ” này của FA là cả một khoản tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình. Như thế làm gì FA chả tham, và cũng vì thế nên người ta mới có cớ để... rủa.
Tuy nhiên ai phê phán, cứ phê phán. Premier League đá, cứ đá. Sẽ không có chuyện FA thay đổi. Người Anh, họ có thể vứt cái sĩ diện “mẫu quốc bóng đá”, là thầy của môn thể thao Vua để mời Fabio Capello và toàn bộ sậu người Italia về dạy người Anh chơi bóng sau thảm họa Euro 2008. Nhưng, giới cầu thủ, nếu muốn nghỉ đông, e rằng họ nên chọn Bundesliga (nghỉ 5 tuần).
... Có lý
Xét ở khía cạnh đồng minh với FA, trong bối cảnh cả thế giới túc cầu… “đắp chiếu” để tránh rét, ngoài tuyết trắng lạnh lẽo, ngưòi hâm mộ không hướng đến Anh, thì biết xem đá bóng ở đâu? Cái lý của FA ở chỗ đó.
Trong khi cả thế giới cứ phê bình, giới cầu thủ cứ phản đối nhưng lạ thay, trên sân cỏ từ HLV đến các cầu thủ không hề có dấu hiệu chán nản để đá theo kiểu đối phó, mà trái lại, lịch thi đấu càng dày họ đá càng hăng. Không có bất kỳ tín hiệu nào của sự mệt mỏi hay rệu rã trên cái đầu và đôi bàn chân họ. Tinh thần hiệp sỹ của người Anh luôn được phát huy ở mọi thời điểm.
Boxing day là ngày tặng quà. Nhưng cái cách mà người Anh tặng quà cũng thật khác biệt. Với họ, sẽ chẳng món quà nào ý nghĩa hơn là tặng cho nhau những tấm vé hay đến SVĐ cổ vũ cho đội bóng con cưng của mình. Vậy nên, vòng 19 giải Ngoại hạng diễn ra trong ngày Boxing day 26-12 vừa qua, trên tất cả các SVĐ ở Anh, hiếm thấy một hàng ghế trống. Đó là cái “độc” của Premier League, cái tinh thần của người Anh.
Và cũng chính vì thế, giải Ngoại hạng Anh luôn có số lượng khán giả nhiều hơn hẳn so với các giải VĐQG khác. Vẫn biết bảo thủ là thứ “đặc sản” của người Anh. Nhưng thứ đặc sản ấy cộng với tinh thần hiệp sỹ đã tạo ra một nét văn hóa cuồng nhiệt và đặc trưng cho bóng đá Anh mà người ta không thể tìm thấy bên ngoài đảo quốc sương mù.
Hoài Linh