Cái lợi của “cầu thủ nhập tịch”

(ANTĐ) - Trận thua trước Philippines có lẽ sẽ khiến cho những nhà quản lý bóng đá Việt Nam suy ngẫm lại về chính sách mở cửa cho những tài năng ngoại quốc muốn khoác áo đội tuyển.

Dư âm trận thua Philippines:

Cái lợi của “cầu thủ nhập tịch”

(ANTĐ) - Trận thua trước Philippines có lẽ sẽ khiến cho những nhà quản lý bóng đá Việt Nam suy ngẫm lại về chính sách mở cửa cho những tài năng ngoại quốc muốn khoác áo đội tuyển.

Phil Younghusband là sản phẩm ưu tú trong chiến lược phát triển bóng đá của Philippines

Phil Younghusband là sản phẩm ưu tú trong chiến lược phát triển bóng đá của Philippines

Câu chuyện của bóng đá Philippines

Người hâm mộ bóng đá Philippines bây giờ có lẽ đang thầm cảm ơn HLV Juan Cutillas, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho chiến lược phát triển dài lâu của bóng đá nước này, với chính sách gửi những cầu thủ mang trong mình hai dòng máu Philippines và châu Âu, sang những nền bóng đá hàng đầu thế giới tôi luyện, rồi trở về phục vụ ĐTQG.

Câu chuyện bắt đầu từ hơn 1 thập kỷ trước, khi chiến lược gia người Tây Ban Nha - Juan Cutillas phác thảo mô hình phát triển của bóng đá Philippines, với hạt nhân là những cầu thủ “lai” có những tố chất đủ để đưa bóng đá quốc gia này lên tầm cao mới.

Liên đoàn bóng đá Philippines (PFF) đã không mất nhiều thời gian để đưa ra sự chấp thuận. Sau đó không lâu, làng bóng đá Anh đã được một phen xôn xao khi trong đội hình trẻ Chelsea lần đầu tiên xuất hiện hai cầu thủ có quốc tịch Philippines, là anh em là James và Phil (mang họ Younghusband).

James và Phil có cha là người Anh và mẹ là người Philippines, được đào tạo ở đội trẻ Chelsea trong hơn 10 năm bên cạnh những hảo thủ xuất sắc của đội bóng thành London, nhất là John Terry. Dù không thể cạnh tranh được trước những siêu sao hàng đầu mà ông chủ Abramovich mua về, nhưng quãng thời gian ở Chelsea đã mang lại cho anh em nhà Younghusband rất nhiều điều mà chỉ có bóng đá châu Âu có thể mang lại, để rồi trở về và tỏa sáng trong màu áo ĐTQG.

Hãy nhìn cách mà Phil Younghusband lừa bóng qua Như Thành rồi đánh bại  Hồng Sơn để ấn định chiến thắng 2-0 cho Philippines ở sân Mỹ Đình. Không dễ để một cầu thủ mới 23 tuổi tự tin đến nhường ấy, nhất là khi chơi cho một đội bóng (trên lý thuyết) yếu hơn và phải đối mặt với nhà ĐKVĐ ngay trên sân khách.

Đấy là chưa kể bàn mở tỉ số láu cá và đẳng cấp - đánh đầu đập đất của Greatwich (tiền đạo có gốc gác giống anh em nhà Yonghusband) thể hiện. Chưa hết, thủ thành Etheridge đang chơi bóng tại Anh cho đội trẻ Fulham (trước đây cũng ở Chelsea), và cả tiền vệ dẫn dắt lối chơi De Jong, mới 20 tuổi, có cha là người Hà Lan… tất cả đều thể hiện được đẳng cấp của mình sau 2 trận ở AFF Cup.

Quan trọng hơn, họ đều từ chối những cơ hội để khoác áo ĐT Anh hay ĐT Hà Lan để trở về khoác áo Philippines. Rõ ràng, đây là thời điểm mà bóng đá Philippines bắt đầu “hái quả” sau chiến dịch dài hơi và mạch lạc: xây dựng thương hiệu của mình từ những cầu thủ gốc ngoại.

Nhiều tài năng bị bỏ phí

Trở lại với câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Đây là đề tài mà báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực. Cho dù, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được những cầu thủ mang trong mình dòng máu Việt và ngoại quốc biết chơi bóng (chứ chưa nói đến việc chơi hay), nhưng rõ ràng, khi chúng ta đã vội đóng cánh cửa lại, biết bao tài năng đang bị bỏ phí ở bên ngoài?

Bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút nhân tài gốc Việt về đóng góp cho tổ quốc. Lee Nguyễn là một ví dụ điển hình  của một tài năng bóng đá gốc Việt. Nhưng đáng tiếc Lee Nguyễn đã từng khoác áo ĐT U20 Mỹ và không được khoác áo ĐTVN theo quy định của FIFA.

Nhưng còn biết bao “Lee Nguyễn” khác đang chơi bóng trên thế giới, như Mạc Hồng Quân (tiền đạo, Việt-Czech), Patrick Le Giang (thủ môn, Việt- Slovakia), Emil Le Giang (tiền đạo, Việt-Slovakia, từng được Liverpool và Ajax theo đuổi ráo riết) hay Thạch Dương (tiền đạo, Việt-Thụy Điển, từng chơi cho Bolton của Anh)… trong số họ, có nguời đã về nước thử sức và không được giữ lại, có người không còn đủ điều kiện khoác áo ĐTVN nữa, nhưng tất cả cho thấy nhân tài bóng đá gốc Việt luôn dồi dào nhưng chưa được khai thác hết.

Bóng đá Thái Lan, nơi luôn trung thành với việc sử dụng cầu thủ bản địa đang có dấu hiệu đi xuống. Trong khi Singapore và Philippines đã tiến bộ rất nhiều trong một thập kỷ qua. Mà đây lại là hai quốc gia dẫn đầu khu vực về chính sách thu hút nhân tài ngoại quốc. Đó là điều rất đáng để những người làm bóng đá Việt Nam phải suy nghĩ.               

Lê Vinh