Cái giá của sự dũng cảm

ANTĐ - Không dưới 2 lần, ông Phan Thanh Hùng thể hiện sự dũng cảm trên cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam. Cũng chính bởi sự dũng cảm đó mà ông thầy người Đà Nẵng không phải hổ thẹn với lương tâm trong thất bại ê chề mang tên AFF Cup 2012.

Tiếc cho HLV Phan Thanh Hùng khi chưa dám mạnh tay siết chặt kỷ luật

Ông Hùng lên nắm quyền HLV trưởng ĐTQG trong bối cảnh VFF không thể tìm được người tốt hơn. Ở thời điểm đó, quyết định của ông thầy người Đà Nẵng được cho là dũng cảm. Với ông Hùng, trở thành HLV trưởng ĐTQG là mơ ước của bất cứ HLV nào, vì nó, ông sẵn sàng đối mặt áp lực, đối mặt rủi ro và hết mình cống hiến.

Nhìn cách ông Hùng chỉnh từng ly từng tí cho các học trò trong các buổi tập, hay hình ảnh đội mưa hò hét, tiếp lửa tinh thần cho các học trò và cả gương mặt thất thần sau mỗi trận thua… đủ thấy ông Hùng đã nỗ lực dồn tâm huyết nhiều như thế nào cho đội tuyển. Nhưng đổi lại, thứ ông nhận được lại là thất bại. Cần phải nói thêm, trong thất bại vừa qua của đội tuyển, ông Hùng có phần lỗi nhưng không lớn. Thế nhưng, với cách hành xử rất đàng hoàng của mình, ông thầy người Đà Nẵng vẫn đứng lên nhận mọi trách nhiệm về mình và từ chức. Chiến lược gia 52 tuổi tâm sự rất thật rằng, mình đã cố gắng hết sức và không hổ thẹn với lương tâm. 

Người ta bảo, ông Hùng vẫn còn “nhiệt” với ĐT Việt Nam lắm và chỉ cần VFF thật tâm giữ, ông sẽ chẳng phải đệ đơn từ chức. Ngày từ nhiệm, ông Hùng cười tươi nhưng ẩn sâu trong ánh mắt, vẫn có gì đó ngậm ngùi, nuối tiếc. Không nuối tiếc sao được khi bao công sức tâm huyết bỏ ra và đã ít nhiều tạo dựng lối chơi, bản sắc cho đội tuyển thì lại phải nói lời chia tay. Suốt hơn 3 tháng nắm đội, hiếm khi người ta thấy ông Hùng cười mà chỉ thấy vẻ đăm chiêu như suy tư, nghĩ ngợi thường trực trên khuôn mặt khắc khổ, gày sọm.

Thế nhưng, công bằng mà nói, nếu ông Hùng tiếp tục ngồi ghế HLV trưởng chưa hẳn đã là lựa chọn tốt nhất cho ĐT Việt Nam ở thời điểm này. Bởi bên cạnh yếu tố chuyên môn, thì đức tính bị cho là quá “lành’ và thiếu một cái TÔI cần có của vị “chủ soái” khiến ông thầy 52 tuổi này khó giúp đội tuyển tạo dựng cơ đồ. Ông Hùng thừa nhận, việc từ chức của mình không đến từ áp lực dư luận, hay sức ép từ VFF mà bởi bản thân tự nhận thấy “ra đi là cần thiết, là tốt cho bóng đá Việt Nam”. 

Nếu tinh ý có thể nhận ra, quyết định từ chức của ông Hùng không đơn thuần là một hành động dũng cảm mà còn có chút gì đó như bất lực. Không phải ông Hùng bất lực với năng lực của mình mà bất lực với chính những học trò. Trong bản báo cáo phân tích thất bại AFF Cup 2012, chính ông Hùng thừa nhận: “Việc một số cầu thủ thiếu động lực thi đấu đã khiến mọi kế hoạch, suy tính chiến thuật của BHL bị thay đổi, đồng thời dẫn đến kết quả kém cỏi của toàn đội”.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sau cuộc họp mổ xẻ cũng quả quyết: “Nhiều tuyển thủ đã cố tình không chịu đá”. Ở tình thế đó, nói như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh thì “một ông Hùng, chứ có đến 10 ông Hùng cũng bó tay”. Không giấu giếm, chiến lược gia người Đà Nẵng thừa nhận: “Tôi đã không mạnh mẽ trong việc áp dụng kỷ luật nội bộ với một số cầu thủ vi phạm thiếu tôn trọng đồng đội, BHL nên đã xảy ra tình trạng đáng tiếc và đáng trách đó”. Nhiều người tiếc cho ông Hùng. Bởi giá như trước đó, ông Hùng đủ dũng khí mạnh tay siết chặt kỷ luật thì có lẽ đã chẳng bị học trò “phản bội”, để rồi từ đỉnh cao bị đẩy xuống vực sâu của nghiệp cầm quân.