Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nếu áp dụng mô hình kiểm tra chuyên ngành mới theo Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, ước tính mỗi năm sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 881 tỷ đồng và tiết kiệm cho nền kinh tế lên đến 9.258 tỷ đồng.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, tại trụ sở Tổng cục Hải quan chiều 24/9.

Kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, hiệu quả không cao

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, mặc dù công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã đạt một số kết quả, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cải cách, vẫn tồn tại nhiều bất cập từ trình tự, thủ tục, phương thức kiểm tra.

“Trong nhiều báo cáo, cũng như ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho thấy còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, trong khi đó, hiệu quả kiểm tra không cao. Trong vòng 5 năm tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng chưa đến 0,03% so với tỉ lệ mẫu đưa ra” – ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp các hiệp hôi, bộ ngành, doanh nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ thu về một đầu mối là cơ quan hải quan

Hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ thu về một đầu mối là cơ quan hải quan

Theo mô hình Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan.

Khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; Giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.

Tiết kiệm gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm cho nền kinh tế

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan (đơn vị chủ trì, tham mưu cho Bộ Tài chính xây dựng và hoàn thiện đề án), đề án đã khắc phục được những hạn chế trong công tác kiểm tra chuyên ngành còn bất cập lâu nay.

So với trước đây, việc kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu do nhiều cơ quan thực hiện, nay giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cơ quan hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định; thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm để thông quan.

Cơ quan hải quan cũng chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro tích hợp trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.

Điểm nổi bật so với trước đây, đề án sẽ ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới trong cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin sẽ giúp cơ quan quản lý xác định đối tượng phải kiểm tra, miễm, giảm kiểm tra; quyết định phương thức kiểm tra; cung cấp các chỉ dẫn cho DN để thực hiện các công đoạn trong KTCN kết hợp với kiểm tra hải quan.

Tổng cục Hải quan cũng cho hay, theo đánh giá tác động một cách độc lập, khách quan từ Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Đối với lợi ích nền kinh tế, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế. Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.258 tỷ đồng mỗi năm.