Cái bắt tay lịch sử năm 1972 nhen nhóm quan hệ Mỹ - Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc vào tháng 2-1972 được đánh giá là sự kiện đánh dấu thay đổi thế trận toàn cầu. Đáng nói, thành công của chuyến đi là nhờ mỗi bên đều có một sợi dây ngoại giao tinh tế, qua những cử chỉ rất đơn giản, như một cái bắt tay biểu tượng chẳng hạn.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai tại Bắc Kinh vào ngày 21-2-1972

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai tại Bắc Kinh vào ngày 21-2-1972

Quan hệ Mỹ - Trung đang ở bờ vực nguy hiểm, liệu cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai xóa tan nghi kỵ vào tháng 2-1972 có để lại bài học gì cho 2 siêu cường hiện nay?

Sự chuẩn bị chưa từng có về truyền thông

Tổng thống Nixon nhận thức rõ ràng rằng, ông cần giới truyền thông để công bố những bức ảnh và câu chuyện mà ông cùng Ngoại trưởng Henry A. Kissinger muốn thế giới biết đến. Lần này, ông Nixon quyết tâm sử dụng sức mạnh của hình ảnh để truyền đạt nỗ lực lịch sử của mình với Trung Quốc.

Công việc hậu cần đằng sau những nỗ lực của giới truyền thông Mỹ trong chuyến thăm đó là công lao của cả nhóm êkip do nhân viên Nhà Trắng đứng đầu. Người Trung Quốc khi đó không thể so bì kịp với Mỹ về công nghệ truyền thông. Bởi vậy, 3 đài truyền hình lớn của Mỹ đã mang theo 25 tấn thiết bị truyền dẫn hiện đại của riêng họ, bao gồm cả một trạm mặt đất vệ tinh di động, tất cả bay đến Trung Quốc trên một chiếc TWA Boeing 707.

Họ cũng thành lập một trung tâm báo chí trong Cung Văn hóa quốc gia, mà tờ New York Times viết “đáp ứng hầu như mọi yêu cầu của các nhà truyền thông Mỹ”. Trung tâm đó có dịch vụ điện thoại và điện báo 24 giờ, 10 buồng phát sóng cách âm, bảng đen và bảng thông báo, màn hình tivi, phòng chờ và các loại tiện nghi khác mà các phóng viên thường trú nước ngoài thấy thật đáng kinh ngạc”. Thật vậy, công nghệ từ đất nước đã đưa con người lên mặt trăng khiến người Trung Quốc phải kinh ngạc. Và số thành viên của báo chí Mỹ trong chuyến đi (khoảng 150 người) quá áp đảo trong một xã hội mà chức năng của báo chí chủ yếu là ghi lại những gì họ được kể.

Ở Mỹ, hàng triệu người quan tâm đến sự kiện này có thể theo dõi qua 3 mạng truyền hình lớn hoặc các tờ báo, tạp chí mà các nhà báo đã được cấp phép tham gia chuyến đi. Đêm hôm đó, khán giả trên khắp nước Mỹ theo dõi màn hình với dòng chữ “Trực tiếp từ Bắc Kinh”.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cùng nhau đi dạo trong chuyến thăm

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cùng nhau đi dạo trong chuyến thăm

Khoảnh khắc đầy kịch tính

Có một câu chuyện được truyền miệng rằng, khi Thủ tướng Chu Ân Lai và phái đoàn quan chức Trung Quốc bước tới cầu thang chào mừng Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc chỉ lo mất mặt nếu Tổng thống Mỹ không bắt tay đáp lại. Nỗi lo lắng đó là có cơ sở bởi năm 1954, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles từ chối bắt tay ông Chu Ân Lai tại Hội nghị Geneva, nơi các nhà ngoại giao châu Á, châu Âu và Mỹ gặp nhau trong 3 tháng để cố gắng giải quyết các xung đột ở Hàn Quốc và Đông Dương. Khi đó, Trung Quốc là đối thủ của Mỹ ở cả 2 cuộc xung đột đó nên Ngoại trưởng Dulles không có tâm trạng để bắt tay kẻ thù.

Ở những khoảnh khắc đầu tiên, Tổng thống Richard Nixon và phu nhân Pat bước ra khỏi cửa máy bay. Họ dừng lại một lúc rồi cùng nhau đi xuống. Sau 1 hoặc 2 bước, ông Nixon vỗ tay nhẹ nhàng, tay ngang hông, như thể muốn nói: “Vậy là chúng ta đã thành công”. Biết rằng ống kính máy quay đang tập trung về mình, Tổng thống Nixon đưa tay ra khi ông bước xuống bậc cầu thang và giữ cánh tay mở rộng khi tiến về phía Thủ tướng Trung Quốc.

Theo bản năng, bàn tay của nhà lãnh đạo Trung Quốc giơ lên đón nhưng không hẳn là quá cao bởi ông có khuỷu tay bị cong vĩnh viễn do ngã ngựa nhiều năm trước đó. Họ siết chặt tay khoảng 10 giây và nói chào nhau. “Vâng, thưa Thủ tướng, tôi rất vui được gặp ông” - Tổng thống Nixon mở lời. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sau đó giới thiệu Đệ nhất phu nhân với ông Chu, cả 2 mỉm cười, bắt tay và chào hỏi nhau. Tiếp theo là màn chào hỏi của phái đoàn 2 bên.

Các tác giả ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương từ lâu đã dành tâm huyết cho câu chuyện này. Trong bài tường thuật năm 2006 về cuộc gặp giữa Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông - Tuần lễ thay đổi thế giới - tác giả Margaret MacMillan viết: “Những khoảnh khắc đầu tiên của ông Nixon ở Trung Quốc đã khiến cả 2 bên đều lo lắng. Người Mỹ sợ rằng ông Nixon có thể quên bắt tay ông Chu Ân Lai, còn người Trung Quốc nghi ngờ rằng ông ta có thể lặp lại hành động của Ngoại trưởng Foster Dulles”.

Nhà sử học John Garver cũng viết về chi tiết kịch tích này năm 2016: “Với tính cẩn thận, Thủ tướng Chu đợi cho đến khi ông Nixon đưa tay ra trước rồi mới giơ tay đáp lại”. Trên thực tế, nỗi ám ảnh về cái bắt tay của ông Foster Dulles đã được xua tan vào tháng 7-1971, khi Ngoại trưởng Henry Kissinger có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và tiếp kiến Thủ tướng Chu Ân Lai. “Tôi đã chìa tay ra trước. Ông Chu nhanh chóng mỉm cười với tôi và nhận lấy. Đó là bước đầu tiên trong việc đưa di sản của quá khứ về phía sau” - ông Kissinger viết sau đó.

Nhen nhóm quan hệ siêu cường

Khi Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông gặp nhau vào chiều hôm đó, các nhiếp ảnh gia Trung Quốc đã chụp được những hình ảnh sẽ xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo trong nước vào ngày hôm sau. Sự hợp tác được dàn dựng cẩn thận về hình ảnh của 2 bên đã truyền tải cho thế giới một cảm giác lạc quan, một thông điệp rằng một nỗ lực đầy hy vọng đã hình thành.

Đó là thời điểm căng thẳng bao trùm cả thế giới. Vào năm 1972, Mỹ và Liên Xô đều đang chạy đua hạt nhân để xây dựng một “lực lượng răn đe” lớn hơn các đối thủ trong khi chỉ một vài quốc gia có được khả năng hạt nhân là Trung Quốc, Anh và Pháp. Những ngày đó, học sinh ở Mỹ được diễn tập chui xuống gầm bàn đề phòng tấn công hạt nhân. Ở Trung Quốc, “phần lớn các thành phố lớn và trung bình của chúng tôi đều có mạng lưới đường hầm dưới lòng đất, để chuẩn bị cho một sự kiện như vậy” - Thủ tướng Chu Ân Lai kể với phóng viên New York Times năm 1971. Vì thế, Trung Quốc và Mỹ muốn tìm kiếm lợi ích chung để làm cơ sở cho việc ngăn cản nguy cơ xảy ra.

Đầu năm 1972, nước Mỹ cũng sa lầy trong chiến tranh Việt Nam với hàng chục nghìn lính Mỹ thiệt mạng trên chiến trường. Ông Nixon đã hứa với người Mỹ sẽ đưa đất nước thoát khỏi cuộc chiến trong danh dự. Tổng thống và Ngoại trưởng Kissinger cũng đang tìm kiếm đòn bẩy để buộc Liên Xô tham gia một hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược. Họ hy vọng mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh sẽ giúp ích cho cả 2 vấn đề này.

Trong khi đó, Trung Quốc đã trải qua nửa chặng đường hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Trên biên giới, quân đội Trung Quốc và Liên Xô giao tranh nhiều tháng dọc theo sông Ussuri vào năm 1969. Và Nhật Bản - cựu đồng minh của Mỹ - suốt 2 thập kỷ trở thành phép lạ kinh tế đầu tiên của châu Á đã lên tiếng kêu gọi tái quân sự hóa. Nhật Bản đã xuất khẩu ô tô sang thị trường giàu có nhất trên thế giới trong khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ở mức chỉ 132USD.

Trong bối cảnh đó, tìm kiếm điểm chung để xây dựng mối quan hệ tối thiểu là ít thù địch hơn có thể mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hiểu tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Ai cũng biết cách ứng xử chu đáo và chừng mực sẽ đem lại giá trị thế nào. Tối hôm đó, tức vào sáng thứ hai ở nước Mỹ, ông Chu Ân Lai chủ trì chiêu đãi tiệc phái đoàn Tổng thống Nixon tại Đại lễ đường Nhân dân. Cả 2 người đều có những bài phát biểu ngắn gọn và nâng ly chúc mừng. Ông Chu phát biểu đầu tiên với những nhận định đáng nhớ: “Người dân Mỹ là một dân tộc tuyệt vời. Người dân Trung Quốc là một dân tộc tuyệt vời. Nhân dân 2 nước chúng ta luôn thân thiện với nhau”.

Đối với người theo dõi sự kiện, hình ảnh người Mỹ và Trung Quốc ngồi dùng bữa cùng nhau đã nói lên rất nhiều điều. Sự nhen nhóm của mối quan hệ giữa 2 cường quốc đã được khơi dậy bằng những cuộc gặp gỡ trực tiếp, đơn giản và mang tính biểu tượng từ những cái bắt tay, nụ cười và dùng chung bữa ăn.