Cách nào huy động 420.000 tỷ đồng trong 7 năm để đầu tư mạng lưới sân bay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để xây dựng hoàn thiện mạng lưới các Cảng hàng không đến 2030 theo tính toán cần khoảng 420.000 tỷ đồng. Vậy, làm cách nào để huy động được con số khổng lồ này trong 7 năm tới?

Xây mới 8 cảng hàng không từ nay đến 2030

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2030 cả nước có 30 cảng hàng không sân bay.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), hệ thống 22 cảng hàng không đang khai thác hiện nay bảo đảm cho 86% dân số có thể tiếp cận trong bán kính 100km. Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới (75%).

Theo quy hoạch, tới năm 2030 cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, gồm 14 cảng quốc tế và 16 cảng quốc nội.

Như vậy, cả nước sẽ có thêm 8 cảng hàng không khai thác dân dụng so với hiện nay, gồm: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết, Thành Sơn và Biên Hòa.

Theo nhận định, số lượng các cảng hàng không theo quy hoạch cơ bản đã đáp ứng đủ cho các địa phương, kể cả các địa phương vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai…

XSân bay Long Thành cần xấp xỉ 11.000 tỷ xây dựng với công suất giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm
Sân bay Long Thành cần xấp xỉ 11.000 tỷ xây dựng với công suất giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm

Đến năm 2050, sau khi tiếp tục đầu tư các cảng hàng không mới như Cao Bằng, sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô, cảng hàng không quốc tế Hải Phòng, 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc; Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo...

Tổng số tiền dự kiến cần để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 lên tới 420.000 tỷ đồng.

Trong số này, ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch lớn nhất là Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (109.000 tỷ đồng), đảm bảo công suất thiết kế 25 triệu khách.

Kế đó là mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài với hơn 96.500 tỷ đồng, giúp nâng công suất cảng này lên 60 triệu khách; Cảng HKQT Cam Ranh cần 23.700 tỷ đồng để nâng công suất lên 25 triệu khách…

Cần gần 97.000 tỷ đồng để mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài với công suất 60 triệu hành khách/năm

Cần gần 97.000 tỷ đồng để mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài với công suất 60 triệu hành khách/năm

Số tiền đầu tư một số cảng hàng không mới cũng được dự kiến rõ trong quy hoạch. Theo đó, Lai Châu cần hơn 4.300 tỷ, Sa Pa 4.200 tỷ, Nà Sản hơn 5.600 tỷ, Quảng Trị hơn 3.800 tỷ, Biên Hòa hơn 6.600 tỷ, Thành Sơn hơn 5.300 tỷ đồng…

Cần có chính sách huy động vốn PPP

Về giải pháp huy động vốn đầu tư, theo quy hoạch, đối với cảng hàng không mới, sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với cảng hàng không hiện đang khai thác, nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật…

Các sân bay, cảng hàng không ở vùng biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên nguồn vốn Nhà nước để đầu tư

Các sân bay, cảng hàng không ở vùng biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên nguồn vốn Nhà nước để đầu tư

Các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước để đầu tư các công trình thiết yếu.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước hạn chế, việc huy động xã hội hóa đầu tư là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân và thúc đẩy kết nối giữa các vùng miền.

“Phát triển cảng hàng không gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương nên sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, vẫn cần chính sách hỗ trợ để hấp dẫn nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.

Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, với mức đầu tư được tính toán dự kiến lên tới 420.000 tỷ đồng thì việc huy động vốn PPP là giải pháp hàng đầu, không thể khác.

Dù vậy, các chuyên gia cũng lo ngại việc thu hút vốn PPP đầu tư vào Cảng hàng không vì hạ tầng vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận không cao. Trong khi đó, giá dịch vụ tại các sân bay hiện vẫn do Nhà nước quản lý nên để thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần có chính sách hợp lý hơn.