Các đội bóng lớn đến Việt Nam: "Tiện đường" để kiếm tiền

ANTĐ - Dù Việt Nam được đánh giá là nền bóng đá phát triển hàng đầu Đông Nam Á, nhưng để thực sự trở thành thỏi nam châm thu hút các CLB lớn sang du đấu vẫn còn nhiều điều cần phải làm.

Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore… từ lâu đã là điểm đến ưa thích của các “đại gia” Ngoại hạng Anh, hay nhiều CLB lớn khác ở châu Âu. Riêng mùa hè năm nay, Chelsea, Arsenal và Liverpool cùng đồng loạt tới Thái Lan. Còn trong quá khứ, M.U, Barca hay nhiều CLB lớn khác đều từng tới Thái Lan du đấu, thậm chí các CLB lớn còn chọn xứ sở Chùa Vàng là địa điểm cho việc phát triển thương hiệu.

Các đội bóng lớn đến Việt Nam: "Tiện đường" để kiếm tiền  ảnh 1

Man City đến Việt Nam chỉ vì lỡ kế hoạch sang Indonesia. Ảnh: Thuần Thư

Trong khi đó, dù Việt Nam được đánh giá là nền bóng đá phát triển hàng đầu Đông Nam Á, nhưng về sự thu hút thương mại thì lại chỉ đứng ở nhóm cuối. Từ Arsenal đến Man City, hay kể cả trước đó, chưa có đội bóng nào đến Việt Nam với những chiến lược quảng bá thương hiệu mạnh mẽ, cùng kế hoạch được xây dựng chu đáo và nghiêm túc. Năm 1996,       Juventus của HLV Marcelo Lippi và ngôi sao Gianluca Vialli tới Việt Nam theo lời mời của một hãng xe máy. Họ tới đá giao hữu một trận ở sân Hàng Đẫy với ĐT Việt Nam và không hẹn ngày trở lại. Năm 2008, ĐT Olympic Brazil của Ronaldinho chỉ vì “tiện đường” và muốn làm quen thời tiết trước khi dự Olympic Bắc Kinh 2008, nên mới chịu ghé qua Việt Nam chơi một trận. 

Tiếp đó, năm 2013, Arsenal vì mối quan hệ với Tập đoàn HAGL của “bầu” Đức cũng “tiện đường” bay sang Việt Nam, khi trong tour du đấu của họ đã được định sẵn 2 điểm đến là Indonesia và Nhật Bản. Trong khi đó, “bầu” Hiển của SHB hé lộ vì Man City hủy kế hoạch sang Indonesia vì LĐBĐ nước này bị FIFA cấm các hoạt động bóng đá quốc tế vô thời hạn nên ông đã chớp thời cơ mời đội bóng này sang Việt Nam và thành công.

Có thể thấy, Thái Lan luôn là điểm đến thường xuyên của các CLB lớn vì từ lâu, họ đã biết cách làm để trở thành một đối tác đúng nghĩa, giúp cả hai cùng phát triển thương hiệu. Nhãn hiệu bia Singha của Thái vốn là một trong những nhà tài trợ chính cho Chelsea, trong khi Hội CĐV Chelsea ở Thái cũng thuộc top đầu thế giới. Ở Việt Nam, cũng có những doanh nghiệp trong nước đã bắt tay với các CLB lớn để phát triển thương hiệu (HAGL với Arsenal, SHB với Man City,    VietinBank với Chelsea), nhưng để thực sự trở thành thỏi nam châm thu hút các CLB lớn sang du đấu theo lộ trình rõ ràng, chứ không phải là chuyện “tiện đường” để kiếm tiền nữa, có lẽ vẫn còn nhiều điều cần phải làm. Đó không đơn giản chỉ là bóng đá mà còn là vấn đề cơ sở hạ tầng, danh tiếng và sự phát triển thương hiệu.