Các "con hổ" châu Á lấy lại phong độ sau 2 thập niên

ANTD.VN - Dù đã vượt qua “cơn bão” khủng hoảng tài chính năm 1997, nhưng các nền kinh tế một thời được mệnh danh là “con hổ” châu Á vẫn đang phải gồng mình nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tương tự tái diễn. 

Các "con hổ" châu Á lấy lại phong độ sau 2 thập niên ảnh 1Hạ tầng cơ sở được cải thiện đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực ASEAN

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xét trên một số phương diện, các nền kinh tế như Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong gần 2 thập niên qua đã có sự hồi sinh khá ấn tượng. Malaysia và Indonesia tăng trưởng quanh mức 5%/năm kể từ năm 2000. So với thời điểm năm 1997, dự trữ ngoại hối của các nước Đông Nam Á trong năm 2017 có sự gia tăng mạnh mẽ.

Khu vực doanh nghiệp tại Đông Nam Á hiện có mức nợ bằng đồng USD thấp hơn so với năm 1997. Nhờ đó, khu vực này “cách ly” khỏi những tác động của các sức ép lên đồng tiền trong khu vực. Liên quan đến thị trường chứng khoán, so với 20 năm trước, thị trường chứng khoán Indonesia tăng trưởng nhanh và chỉ số chứng khoán của thị trường này hiện cao gấp 8 lần. Trong cùng thời gian này, thị trường chứng khoán Malaysia tăng 58%.

Sau nhiều thập kỷ sống dưới cái bóng của các nước láng giềng phía bắc, Đông Nam Á đang dần chiếm lấy vị trí dẫn dắt sự tăng trưởng của khu vực. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng ở khu vực ASEAN 5, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ vược quá 5% vào năm 2022. Trong khi đó, mức tăng trung bình ở Bắc Á chỉ là 3%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, tổng GDP của 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam đã lần đầu tiên vượt tổng GDP của “4 con rồng châu Á” gồm Hàn Quốc, Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc). Trong khi 10 năm trước, tổng GDP của 5 nước ASEAN nói trên chỉ bằng một nửa của “4 con rồng châu Á” này.

Các nước Đông Nam Á cũng đang tăng cường đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và đầy tham vọng. Theo Ernst & Young LLP, chi tiêu cơ sở hạ tầng ở ASEAN có thể đạt mức trung bình 110 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2025. ASEAN hiện tại có 10 thành viên. Các dự án này cải thiện khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ và con người trên khắp ASEAN.

Sự kết hợp của những yếu tố tích cực, chẳng hạn như nhân khẩu học, chi phí lao động thấp hay sức tiêu dùng nội địa tăng là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, tăng trưởng cao của khu vực còn nhờ sự thay đổi về kết cấu. Kinh tế khu vực hiện đã không chủ yếu dựa vào mở rộng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, mà dựa vào sự gia tăng đầu tư và tiêu dùng cũng như đầu tư và thương mại giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Có thể nói các vấn đề góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã được kiềm chế. Song những nguy cơ mới lại đang nhen nhóm, trong đó phải kể tới bong bóng thị trường bất động sản, sự bất bình đẳng trong thu nhập và những ảnh hưởng dây chuyền bắt nguồn từ Trung Quốc. Sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc hoặc dân túy ở một số quốc gia cũng có thể trở thành trở ngại nếu các quốc gia lùi bước khỏi xu thế toàn cầu hóa.

Dự báo về tương lai, các chuyên gia kinh tế của tờ Financial Times (Anh) cho rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính nữa tại Đông Nam Á vào thời điểm hiện nay là thấp. Nhưng để lấy lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn trước khủng hoảng tài chính 1997, các nền kinh tế Đông Nam Á từng được ca ngợi là những “con hổ châu Á” còn phải nỗ lực nhiều.