Bước đi táo bạo của Tổng thống Pháp Macron

ANTD.VN -Động thái mới đây của Thổng thống Pháp Emmanuel Macron khi mời người đồng cấp Mỹ Donald Trump tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14/7 với tinh thần trọng thị được báo giới nước này đánh giá là bước đi táo bạo và cần thiết. Với ý định đưa nước Pháp trở lại vị trí trung tâm của cuộc chơi ngoại giao và tận dụng những lợi thế của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Emmanuel Macron tạm thời phải quên đi những bất đồng với Nhà Trắng.

Kể từ năm 1989, đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tham dự lễ Quốc khánh Pháp. Vào năm đó, Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đã được Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterrand mời tham dự lễ kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp. 

Tổng thống Donald Trump (trái) đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại Điện Elysée (Paris) ngày 13/7

Tiếp xúc đầu tiên của ông chủ Điện Élysé Emmanuel Macron với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump là cú bắt tay siết chặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Brussels vào ngày 25/5 vừa qua. Cái bắt tay mang tính "cơ bắp" đã gây xôn xao trong giới truyền thông.

Ông Macron sau đó đã giải thích trên tờ Le Journal du Dimanche rằng, đây là một khoảnh khắc của sự thật và rằng qua cử chỉ này ông muốn thể hiện quyết tâm "không nhượng bộ, dù là trong một việc chỉ mang tính biểu tượng". 

Tạm gác những bất đồng 

Việc ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vào ngày 1/6, đã khiến Mỹ ngày càng bị cô lập về vấn đề này. Trong đó, quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp cũng hoàn toàn trái ngược với ông Trump khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử do nhiều quốc gia vun đắp trong nhiều năm.

Thậm chí, ông Macron còn là người dẫn đầu trong cuộc phản công ngoại giao để nhắc nhở ông Donald Trump về tính không thể đảo ngược của Hiệp định Paris.

Song vì lợi ích của nước Pháp và những toan tính chính trị, ông Emmanuel Macron tạm thời phải gác lại những bất đồng, hướng tới cải thiện quan hệ với Washington.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung sau hội đàm tại Paris ngày 13/7.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Taormina (Italy) hồi cuối tháng 5 vừa qua và Hội nghị G20 tại Hamburg (Đức) vào đầu tháng 7, hai nhà lãnh đạo đã có nhiều cử chỉ thân thiện dành cho nhau, có lúc đến mức độ thân mật. Báo chí của Mỹ còn cho rằng giữa hai con người này có sức hấp dẫn cá nhân dành cho nhau. 

Ông Macron đã không bỏ lỡ cơ hội để xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Donald Trump đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc liên minh với Washington. Từ mối quan hệ cá nhân nhưng phải hiểu rằng ông Macron đang mời tổng thống Mỹ, chứ không phải cá nhân ông Donald Trump. Việc này cho thấy quan điểm rõ ràng của Tổng thống Pháp: Mỹ là quốc gia không thể né tránh cho dù tổng thống của họ có phạm phải bất kỳ sai lầm nào. 

Thực tế cho thấy những quyết sách, những hành động không thể đoán trước của ông Donald Trump như: từ chối tham gia vào cuộc chiến chống sự ấm lên toàn cầu hay xu hướng bảo hộ có tên gọi "Nước Mỹ trên hết" đã làm phức tạp quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, mà trước tiên là Thủ tướng Đức Angela Merkel. 

Toan tính rõ ràng

Cũng chính tại Hội nghị G20 ở Hambourg, ông Macron đã thổ lộ rằng: "Tôi không bao giờ mất hy vọng vào việc có thể thuyết phục. Đó là một nét cá tính".

Kể từ khi bước chân vào chính trường quốc tế, ông Macron đã chủ động thể hiện như một nhà hòa giải các căng thẳng trong những tháng qua giữa Moskva, Washington và Berlin: ôm hôn Thủ tướng Đức Angela Merkel; đối thoại một cách cứng rắn với "người hùng" của Điện Kremlin Vladimir Putin; chăm chú lắng nghe, trò chuyện với ông trùm bất động sản- người đang lãnh đạo nước Mỹ - Donald Trump. 

Mặc dù, nước Pháp đã không có mặt tại Astana, thủ đô của Kazakhstan - nơi diễn ra cuộc đàm phán về Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran (những bên liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột), để thảo luận việc thiết lập các vùng "xuống thang", giảm căng thẳng. Nước Pháp cũng đứng ngoài hội nghị tại Geneve, nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa các bên Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, ông Macron lại không giấu giếm ý định đưa nước Pháp trở lại vị trí trung tâm trong cuộc chơi ngoại giao

Paris và Washington cũng đồng quan điểm trong nhiều vấn đề. Ông Macron đã nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 13/7 vừa qua: Hai nước Pháp-Mỹ cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố; bảo vệ các lợi ích sống còn của cả hai quốc gia.

Ông Macron nêu rõ: "Sự hợp tác giữa Pháp và Mỹ luôn là hình mẫu dù là ở vùng Trung Cận Đông hay châu Phi".

Phía Mỹ cũng có cách nhận định tương tự, chẳng hạn như việc Washington đánh giá cao cam kết của Paris trong liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và cuộc chiến chống khủng bố đặc biệt ở vùng Sahel, châu Phi.

Trên cơ sở đó, ông Macron đang có ý định đề nghị Ông chủ Nhà Trắng đóng góp tài chính cho các lực lượng chung chống khủng bố tại nhóm 5 nước vùng Sahel gồm Mauritania, Tchad, Mali, Niger, Burkina Faso. Bởi cho đến thời điểm hiện tại Mỹ rất ngần ngại khi phải "thò tay vào túi". 

Tổng thống Donald Trump (trái) đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại Điện Elysée (Paris) ngày 13/7.

Một vấn đề lớn khác cũng được đề cập tại buổi hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp-Mỹ là tình hình Iraq và Syria sau khi IS bị đánh bại. Bên lề Hội nghị G20 tại Hamburg, một thỏa thuận ngừng bắn ở phía Tây Nam Syria cũng đã được hai nhà lãnh đạo thảo luận. 

Một quá trình mới đang bắt đầu sau bước đi táo bạo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.