Bùng nổ tranh giả ở Ấn độ: Công nghệ siêu "nhái"

(ANTĐ) - Tình trạng tranh giả đã trở nên đáng báo động tại Ấn Độ. Việc làm giả tinh vi đến mức không chỉ những người mua kém hiểu biết mà ngay cả những chuyên gia nhiều kinh nghiệm cũng trở thành nạn nhân.

Bùng nổ tranh giả ở Ấn độ: Công nghệ siêu "nhái"

(ANTĐ) - Tình trạng tranh giả đã trở nên đáng báo động tại Ấn Độ. Việc làm giả tinh vi đến mức không chỉ những người mua kém hiểu biết mà ngay cả những chuyên gia nhiều kinh nghiệm cũng trở thành nạn nhân.

Tác phẩm của hoạ sĩ S.H. Raza, bức “Saurashtra”
Tác phẩm của hoạ sĩ S.H. Raza, bức “Saurashtra”

“Nhái” ngoài sức tưởng tượng

Trong chuyến thăm mới đây tới một phòng trưng bày ở Thủ đô New Delhi, hoạ sĩ Arpana Caur, 57 tuổi phát hiện 2 bức tranh được chép từ loạt tranh của bà về Cao tăng “Nanak”, mô tả cuộc đời của nhà sáng lập đạo Sikh. Bà Caur đã điều tra và biết được người học trò cũ đã thuê một đội ngũ sinh viên hội họa sao chép những tác phẩm của bà sau đó bán chúng cho các phòng trưng bày.

 “Tôi đã thông báo vụ việc cho cảnh sát và yêu cầu tịch thu những bức tranh giả, nhưng không nhận được sự hợp tác”, nữ hoạ sĩ Caur, người có bức tranh bán được 2 triệu rupee (khoảng 44.000USD) tại các cuộc triển lãm và đấu giá quốc tế, cho biết. “Không chỉ những bức tranh bị sao chép. Thậm chí chữ ký và giấy chứng nhận của tôi cũng bị làm giả”, bà Caur nói.

Arpana Caur không phải là người duy nhất lo lắng tranh bị “nhái”. Những hoạ sĩ nổi tiếng nhất Ấn Độ như M.F. Husain, S.H. Raza và Satish Gujral cũng là nạn nhân của những kẻ làm giả tinh vi.

Theo ông Jatin Gandhi, nhà nghiên cứu nghệ thuật ở Mumbai, nhu cầu có được một tác phẩm nghệ thuật Ấn Độ đương đại tăng lên đã thu hút những kẻ làm ăn gian dối. “Những gian trưng bày mới rất muốn có được những tác phẩm của các hoạ sĩ có tên tuổi. Họ không hiểu biết tường tận, và thậm chí tỏ ra vui mừng khi ném tiền vào những đồ giả”, ông Jatin cho biết, “Những bức tranh giả được bán với giá “cắt cổ”, và thường được bán trao tay cho đến khi bị phát hiện”.

Quy tắc vàng

Năm 2010, Ấn Độ đã chứng kiến một số bức tranh được bán với giá kỷ lục, nổi bật là một tác phẩm của hoạ sĩ S.H. Raza. Bức “Saurashtra” của ông đã được bán với giá 3,5 triệu USD tại nhà đấu giá Christie ở London (Anh).

Romano Ravasio, người lãnh đạo công ty Tư vấn nghệ thuật có trụ sở ở Italy cho biết, ông tránh “thị trường thứ hai” ở Ấn Độ, nơi những tác phẩm nghệ thuật được bán lại bởi các nhà đầu tư và nhà sưu tập. “Quy tắc vàng của tôi là mua tranh từ một phòng trưng bày nổi tiếng hoặc mua trực tiếp từ người hoạ sĩ”, ông Romano nói.

Theo các chuyên gia nghệ thuật, Ấn Độ cần một lực lượng cảnh sát chuyên biệt để điều tra tội phạm trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, với lực lượng thường không được đào tạo bài bản và thiếu các thiết bị chuyên biệt như hiện nay, vấn đề này dường như không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.

Trong khi đó, tại những xưởng làm giả, thường sử dụng sinh viên nghệ thuật, việc làm giả tinh vi đến mức thậm chí những chuyên gia nhiều kinh nghiệm cũng là nạn nhân. Như trường hợp của Uma Jain, ông chủ phòng trưng bày

Dhoominal ở New Delhi, đã hơn 70 năm giao dịch tranh cho biết, năm 2009, ông phải cho tháo bỏ một bộ sưu tập gồm 12 bức tranh giả mạo những tác phẩm của hoạ sĩ S.H. Raza. Trước đó, vào năm 2006, các nhà đấu giá quốc tế Christie và Sotheby đã phải rút tổng cộng 14 tác phẩm của các hoạ sĩ Ấn Độ gồm F.N Souza, M.F Husain, Jamini Roy và Ganesh Pyne do nghi ngờ về tính xác thực của chúng.

Nguyễn Tuyên

(Theo AFP)