“Bông hồng sa mạc” vẫn im lặng

ANTĐ - “Hãy đứng lên vì hòa bình, ngăn chồng bà và những người ủng hộ ông ấy. Đừng làm người ngoài cuộc nữa”, thông điệp nhằm gửi tới đệ nhất phu nhân Syria Asma al-Assad đã trở thành một hiện tượng trên Youtube khi thu hút hàng chục nghìn người ủng hộ.
“Bông hồng sa mạc” vẫn im lặng  ảnh 1
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phu nhân Asma đi dạo tại Paris
 trong chuyến thăm nước Pháp năm 2010.  Ảnh: AFP


Bóng hồng lặng câm

Thông điệp được gửi đi giữa tháng 4-2012 là một đoạn băng do phu nhân Đại sứ Anh và Đức tại Liên hợp quốc thực hiện, thúc giục bà Asma al-Assad “đứng lên vì hòa bình”, lên tiếng chống lại cuộc đàn áp chết người mà đứng sau là chồng bà, Tổng thống Bashar al-Assads. Người dẫn chuyện trong video vừa đan xen hình ảnh của vị đệ nhất phu nhân Syria thanh lịch, quyến rũ, sang trọng với cảnh tang thương khi trẻ em nằm trong số 9.000 nạn nhân đã chết trong các cuộc bạo loạn tại Syria 13 tháng qua. Nhắm tới phu nhân Asma 

al-Assad, 36 tuổi, người phụ nữ rất “sành” hàng hiệu và thời trang, đoạn video nói: “Không ai quan tâm đến hình ảnh của bà đâu, chúng tôi chỉ quan tâm đến hành động của bà”.

Trong vòng một năm, đệ nhất phu nhân của Syria từng được coi là “bông hồng giữa sa mạc” đã trở thành mục tiêu mà Liên minh châu Âu quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 3-2012, tờ Người bảo vệ ở London đã công bố khoảng 3.000 bức thư điện tử lấy được từ gia đình số 1 của Syria. Bí mật được tiết lộ, phu nhân Asma có một niềm đam mê trang sức đắt tiền của Pháp, đồ nội thất của Anh, bà là tín đồ của trang mua sắm Amazon.com và tự thừa nhận mình, không phải Tổng thống Bashar, là “nhà độc tài thực sự”. Ngay lập tức, EU đã phản ứng bằng việc thông qua lệnh trừng phạt, cấm đệ nhất phu nhân của Syria du lịch đến châu Âu và đóng băng tài sản của bà. Như vậy, với phương Tây, bà Asma không còn là nhà ủng hộ cải cách, một mẫu phụ nữ hiện đại như báo chí từng mô tả.


Cuộc hôn nhân sắp đặt

Khi ông Bashar Assad nhậm chức Tổng thống vào năm 2000, nhiều nhà quan sát Trung Đông tin rằng ông sẽ mở ra một thời kỳ cải cách kinh tế và chính trị ở Syria. Hy vọng càng được nhen lên bởi cuộc hôn nhân của vị tân Tổng thống vào cuối năm đó. Cô dâu Asma Akhras al-Assad, sinh ra ở London, mẹ từng là một nhà ngoại giao Syria, cha là bác sĩ chuyên khoa tim từ thành phố Homs di cư tới London năm 1973. Asma được giáo dục trong các trường học danh tiếng của Anh từ trường nữ trung học thuộc Đại học Queen đến Đại học Kings College ngành khoa học về máy tính. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà đã làm việc tại Tập đoàn kinh tế đa quốc gia JP Morgan và còn được nhận vào trường Kinh doanh Harvard. Tuy nhiên, những kế hoạch đó phải bỏ dở giữa chừng khi bà chấp nhận lời cầu hôn của ông Bashar vào giữa năm 2000, khi cha ông qua đời sau 30 năm cầm quyền tại Syria.

Ông Bashar đến Anh học nhãn khoa vào cuối năm 1992, và một trong những lần tham gia các sự kiện xã hội do Hội người Syria tổ chức, ông đã gặp Asma. Rồi người này đột ngột phải về lại Damascus sau khi anh trai, Basil - người sẽ kế tục quyền lãnh đạo của cha chết vì tai nạn xe hơi đầu năm 1994. Khoảng từ năm 1993 đến 2000, Asma và Bashar vẫn liên lạc với nhau. Bà tiết lộ trong cuộc phỏng vấn hôm 16-12-2002 với tờ 

Observer rằng, trước khi đính hôn: “Chúng tôi hầu như không gặp nhau. Và, nếu có gặp, đơn giản là tình bạn chứ không có gì khác”. Eyal Zisser - chuyên gia phân tích về Syria trong cuốn sách xuất bản năm 2007 nhận xét: “Cô ấy không biết rằng mình sẽ lấy người ấy cho đến khi được cầu hôn”. Vì vậy, cuộc hôn nhân được giữ kín đến phút chót được phỏng đoán rằng vì mục đích chính trị, bởi Asma đến từ cộng đồng người Sunni, chiếm 74% dân số của Syria, trong khi gia đình Assad thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Alawite, chỉ chiếm 12% dân số.

Kẹt giữa hai làn đạn?

Là một đệ nhất phu nhân quyền lực lại ngời lên vẻ sang trọng, quý phái, bà Asma al-Assad từng được báo chí phương Tây ca ngợi hết lời. Năm 2010, tạp chí Elle của Pháp bình chọn Asma “là một trong những quý bà phong cách nhất trong thế giới chính trị”. Tờ Paris Match gọi bà là “một Diana của phương Đông”, là “tia sáng trong xứ sở bóng tối”. Có lẽ nổi tiếng nhất là bài viết trên tạp chí danh tiếng Vogue ca ngợi đệ nhất phu nhân Syria - một “bông hồng sa mạc”. Thời điểm bài báo được phát hành tới 11,7 triệu độc giả về gia đình mẫu mực Assad (tháng 3-2011) cũng là lúc bắt đầu dấy lên các cuộc biểu tình chống Chính phủ Syria.

 Sau đó, các cuộc biểu tình bị đàn áp, nhiều người tự hỏi liệu bà Asma phản ứng thế nào, nhưng đáp lại vẫn là một sự im lặng khó hiểu. Tháng 2-2012, bà Asma xuất hiện trước công chúng, luôn mỉm cười khi bên cạnh chồng trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp mà về mặt lý thuyết, ông Assad có thể làm Tổng thống đến năm 2028. Dư luận phương Tây bình luận, một phụ nữ thông minh, được giáo dục ở Anh mà có vẻ thờ ơ trước những đau khổ và sự kiện kinh hoàng đang xảy ra hàng ngày ở Syria. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Asma bị mắc kẹt, rằng bà trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này không thể trốn chạy hoặc nếu muốn thì cũng bị giằng xé, níu kéo bởi nhiều thứ. Và bông hồng đơn côi vẫn nở giữa một sa mạc chính trị khắc nghiệt.