Bóng đen của tử thần

(ANTĐ) - Trong vòng 8 năm, 5 người trong một gia đình ở thành phố Yết Dương, Quảng Châu (Trung Quốc) lần lượt qua đời một cách lạ kỳ - chết ngay sau bữa ăn với tình trạng toàn thân co rút. Điều kiện sống kém, y tế lạc hậu khiến những người dân nông thôn chất phác đành tin rằng đó là số phận của mình.

Bóng đen của tử thần

(ANTĐ) - Trong vòng 8 năm, 5 người trong một gia đình ở thành phố Yết Dương, Quảng Châu (Trung Quốc) lần lượt qua đời một cách lạ kỳ - chết ngay sau bữa ăn với tình trạng toàn thân co rút. Điều kiện sống kém, y tế lạc hậu khiến những người dân nông thôn chất phác đành tin rằng đó là số phận của mình.

Chấn Quý ngẩn ngơ vì những cái chết của người thân

Chấn Quý ngẩn ngơ vì những cái chết của người thân

Căn bệnh lạ kỳ

Mọi bất hạnh của gia đình họ Hoàng bắt đầu kể từ sau cái chết của người cha Hoàng Xuân Kim năm 2002. Theo lời kể của người con thứ 2 Hoàng Chấn Quý, những tai nạn xảy ra liên tiếp. Triệu chứng của mọi người trong gia đình, bất kể lớn bé đều rất giống nhau: toàn thân bỗng nhiên cứng đờ, chân tay co rút, miệng sùi bọt trắng.

Có lúc 4-5 người cùng vào bệnh viện. Vì không lần nào tìm ra được nguyên nhân phát bệnh, nỗi lo sợ đè nặng lên những người trong dòng họ. Nghi ngờ đã mắc phải một bệnh di truyền nào đó, những người lớn tìm đến các bậc trưởng lão hỏi, song ai cũng bảo chưa từng thấy chuyện này. Trong một thôn nhỏ với hơn 300 hộ, nhà ai có bệnh gì không thể giấu xung quanh, tuy nhiên căn bệnh lạ này thì đúng là mới thấy lần đầu.

Chiêm Thố Cát là một thôn miền núi điển hình nằm ở phía Nam thành phố Yết Dương, Quảng Đông, sống nhờ nông nghiệp, đồng tiền kiếm được hết sức khó khăn, nếu trong gia đình không có người đi xa kiếm việc thì quanh năm đầu tắt mặt tối cũng không đủ no.

Cuộc sống nghèo khó khiến người dân ở đây không có thói quen đi khám chữa bệnh, ốm đau cũng chỉ tự chữa và phó mặc số trời. Giống như hầu hết dân thôn, 4 anh em họ Hoàng: Chấn Thu, Chấn Quý, Nhân Phát, Chấn Hà đều làm ruộng, mấy năm gần đây Chấn Hà mới đi làm thuê xa nên thu nhập khá hơn.

Người đầu tiên mắc căn bệnh lạ này là Chấn Quý và vợ, Hoàng Mộc Hương. Đó là một ngày mùa hè năm 2002, Chấn Quý đến nhà chị gái ăn cơm xong về đến cổng nhà chợt thấy trời đất tối sầm, nôn ra máu, không sao đi được nữa, gần như hôn mê. Vợ chồng anh vốn sống trong căn nhà chung của cha mẹ chia cho 4 anh em, song vì Nhân Phát đã ra ở riêng, Chấn Hà lại đi làm xa quanh năm nên khi đó trong nhà chỉ còn gia đình anh cả Chấn Thu.

Chấn Quý được đưa đến bệnh viện thị trấn, song vì ít bệnh nhân, nên các bác sỹ ở đây rất yếu chuyên môn, không thể phát hiện ra bệnh gì. Điều đáng nói là 2 ngày sau, Mộc Hương đang chăm chồng trong viện cũng bị các triệu chứng tương tự. Lần đó may mắn cả 2 vợ chồng không sao. Những năm sau cũng không có gì bất thường, họ lần lượt sinh 3 lần, được 4 đứa con, 2 trai, 2 gái.

Lây lan

Nhưng sự việc không dừng ở đó. Lần phát sinh tiếp sau, cái chết bắt đầu ập xuống.

Mấy đứa trẻ trong nhà Chấn Quý, Nhân Phát và Chấn Hà bắt đầu mắc bệnh. Có lần đến 4-5 đứa cùng được đưa vào viện sau khi bị co rút chân tay, sùi bọt mép. Theo chẩn đoán của các bác sỹ, bọn trẻ có thể ngộ độc thực phẩm do cùng ăn một thứ đồ gì đó, nhưng không xác định được là gì.

Từ năm 2002-2007, có tới hơn 10 lượt mắc phải, trong đó 4 đứa trẻ tử vong: con gái Nhân Phát, con gái và đứa con trai mới 3 tháng tuổi của Chấn Quý, đứa con trai 7 tuổi của Chấn Hà. Vì cả nhà đều là nông dân chất phác, chẳng ai biết lưu lại giấy tờ khi khám bệnh nên không tìm ra được mối liên hệ giữa các trường hợp.

Người lớn đầu tiên trong nhà họ Hoàng thiệt mạng là Mộc Hương, khi đó là tháng 3-2007, vẫn với các triệu chứng y như lần đầu “mắc bệnh”. Bác sỹ khi đó cho rằng cô đã có tiền sử bệnh này, nên không hề lưu tâm đến những dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, những lời đồn đại bắt đầu lan ra trong thôn. Lãnh đạo thôn vì thế đã báo cáo lên cấp thành phố, và một cuộc điều tra khá quy mô được triển khai. Đáng tiếc là điều tra không có kết quả, giả thuyết về một căn bệnh di truyền của dòng họ được quy thành kết luận.

(Còn tiếp)

Bảo Trâm

(Theo Sina)