Bóng đá Việt Nam ở SEA Games: Nối tiếp giấc mơ Vàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến trước SEA Games 31 sắp diễn ra trên sân nhà, bóng đá nam Việt Nam đã tham dự 15 kỳ SEA Games với 6 lần vào chung kết và giành 1 tấm Huy chương Vàng ở kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần nhất năm 2019.

Lật lại quá khứ, trước SEA Games 30 (năm 2019 ở Philippines), môn bóng đá nam tới Đại hội thể thao Đông Nam Á luôn mang đến nỗi buồn, thậm chí có thể coi là sự ám ảnh với đội tuyển bóng đá Việt Nam. Giấc mơ Vàng của chúng ta hết lần này đến lần khác tuột qua kẽ tay, thậm chí kể cả khi có những lúc đã ở rất gần. Vì thế, những gì thầy trò HLV Park Hang-seo làm được tại SEA Games 30 giống như một bước ngoặt giúp bóng đá trẻ Việt Nam khẳng định vị thế xứng đáng của mình ở đấu trường khu vực.

U23 Việt Nam đã đứng dậy mạnh mẽ để giành Huy chương Vàng SEA Games 30

U23 Việt Nam đã đứng dậy mạnh mẽ để giành Huy chương Vàng SEA Games 30

Quá trình hội nhập

Môn bóng đá nam chính thức xuất hiện ở SEA Games từ năm 1959. Tuy nhiên, mãi tới năm 1991, bóng đá nam Việt Nam mới hội nhập trở lại và có lần đầu góp mặt. Dù vậy, mới “chân ướt chân ráo” tham dự nên chúng ta không giành được nhiều kết quả khả quan. Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn hội nhập là tấm Huy chương Bạc SEA Games năm 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan). HLV khi đó là ông Karl-Heinz Weigang đã giúp ĐT Việt Nam vượt qua vòng bảng, đánh bại Myanmar 2-1 ở bán kết và tiến vào chung kết gặp chủ nhà Thái Lan, trước khi để thua đối thủ này. Hai kỳ SEA Games sau đó, ĐT Việt Nam vẫn gây ấn tượng với tấm Huy chương Đồng (năm 1997) và Huy chương Bạc (1999).

Những nốt trầm khó quên

Kể từ năm 2001, môn bóng đá nam SEA Games trở thành sân chơi cho lứa U23. Sau lần đầu tiên tham dự và bị loại từ vòng bảng, U23 Việt Nam bước đến SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà với mục tiêu quán quân. U23 Việt Nam khi đó sở hữu lứa cầu thủ tài năng được gọi là “Thế hệ Vàng” như Văn Quyến, Tài Em, Minh Phương, Hữu Thắng, Huy Hoàng, Quốc Vượng... Dưới sự cầm quân của cố HLV Alfred Riedl, chúng ta đã đi tới trận chung kết và có khởi đầu tốt trước Thái Lan nhờ bàn thắng của Văn Quyến. Nhưng rồi người Thái đã cho thấy sự “già giơ” và lật ngược thế cờ, giành Huy chương Vàng trong sự tiếc nuối của hàng triệu CĐV Việt Nam.

Nhưng nỗi buồn với bóng đá Việt Nam tại đấu trường SEA Games chưa dừng lại ở đó khi chỉ 2 năm sau, SEA Games 23 (năm 2005) trên đất Philippines, người hâm mộ phải chứng kiến bê bối liên quan đến dàn xếp tỉ số của nhiều cầu thủ. Đó là một nỗi đau và cũng là bài học đắt giá cho lớp cầu thủ sau này, để không bao giờ sa chân vào con đường tội lỗi với những cám dỗ luôn rình rập.

Tấm Huy chương Vàng mãi lẩn tránh

Vượt qua nỗi đau, bóng đá Việt Nam dần gượng dậy và mất 4 năm để tiếp tục đi tới chung kết tại SEA Games. Năm 2009 tại Vientiane (Lào), U23 Việt Nam của HLV Henrique Calisto đã xuất sắc vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để góp mặt ở trận đấu tranh Huy chương Vàng.

Trước một U23 Malaysia mà chúng ta đã đánh bại ở vòng bảng, cộng với việc Sân vận động quốc gia Lào có hàng chục nghìn CĐV Việt Nam đi đường bộ sang cổ vũ, chúng ta tưởng như đã có đủ “thiên thời, địa lời, nhân hòa” để lần đầu tiên đăng quang. Thế nhưng, thêm một lần, tấm huy chương danh giá lại lẩn tránh Việt Nam. Những sai lầm không đáng có đã khiến thầy trò Calisto phải nhận trận thua 0-1, thất bại đáng buồn nhất khi nó đến trong bối cảnh chúng ta thực sự đã chuẩn bị cho một lễ hội ăn mừng chiến thắng hoành tráng.

Đỉnh cao SEA Games 30

Tròn 10 năm sau “nốt trầm Vientiane”, bóng đá Việt Nam mới có thể thật sự gượng dậy, vươn mình đứng lên từ những thất bại. SEA Games 30 tại Philippines chứng kiến một “Thế hệ Vàng mới” trong tay nhà cầm quân tài ba Park Hang-seo, với những cái tên như Tấn Tài, Đức Chiến, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Triệu Việt Hưng, Hoàng Đức, Đỗ Hùng Dũng, Tiến Linh hay Đức Chinh...

Trong trận chung kết, Văn Hậu lập cú đúp giúp U23 Việt Nam hạ U23 Indonesia 3-0 để lần đầu giành Huy chương Vàng. Sau 5 trận chung kết SEA Games liên tiếp thất bại, Việt Nam cuối cùng cũng phá được “dớp”. Đội quân của HLV Park ghi tới 24 bàn và chỉ thủng lưới 4 bàn, trở thành một trong những nhà vô địch ấn tượng nhất lịch sử.

Tham vọng trên sân nhà

Sau 19 năm, SEA Games lại trở lại Việt Nam. Lần này, trong tư thế của một nhà đương kim vô địch, U23 Việt Nam đang quyết tâm bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng. Dù biết rằng các đối thủ như Thái Lan, Indonesia... cũng chuẩn bị kỹ càng với những gì tốt nhất để thách thức chủ nhà Việt Nam, nhưng thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn tràn đầy tự tin chinh phục đỉnh cao SEA Games một lần nữa.

Đội hình với những cầu thủ trẻ xuất sắc như Văn Toản, Việt Anh, Thanh Bình, Hoàng Anh, Văn Đạt... được bổ sung thêm 3 ngôi sao từ ĐTQG là Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh, U23+3 Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục bay cao sau khi đã phá “dớp”. Các trận đấu ở vòng bảng của U23 Việt Nam diễn ra trên sân Việt Trì (Phú Thọ). Nếu vào bán kết, thầy trò HLV Park sẽ đá lúc 19h ngày 19-5 vẫn trên sân Việt Trì. Trận tranh Huy chương Đồng và chung kết sẽ diễn ra lần lượt vào lúc 16h và 19h ngày 22-5 trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Lịch thi đấu vòng bảng SEA Games 31 của U23 Việt Nam

19h00 ngày 6-5: Việt Nam - Indonesia

19h00 ngày 8-5: Việt Nam - Philippines

19h00 ngày 13-5: Myanmar - Việt Nam

19h00 ngày 15-5: Timor Leste - Việt Nam