Bộ trưởng Công Thương: Chỉ nên cổ phần hóa những doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để tiếp tục đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cần trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả

Nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả

Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban), đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước trong cả nước.

Tính đến 31-12-2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 1 triệu 173 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất là 2 triệu 445 tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đóng vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực quan trọng, cụ thể; đảm bảo khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 100% khí khô, 70% khí hóa lỏng, 70% phân bón, 45% thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất, 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt.

Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm đều tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu đạt 1 triệu 598 ngàn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 319 ngàn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 83 nghìn 167 tỷ đồng (năm 2021 đạt 67 nghìn 478 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 191 nghìn 781 tỷ đồng (năm 2021 đạt 177 nghìn 211 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ công Thương cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để phát triển doanh nghiệp Nhà nước thì cần nghiên cứu các vấn đề như vấn đề trao quyền tự chủ cho tập đoàn, tổng công ty; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sử dụng tập đoàn, tổng công ty làm công cụ điều tiết kinh tế… để thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu;

Đồng thời, cần mạnh dạn có cơ chế đặt hàng, ưu tiên xem xét giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án lớn, trọng yếu quốc gia và các dự án đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm về quốc phòng, an ninh

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra nước ngoài và hợp tác đầu tư với các đối tác lớn của các quốc gia phát triển nhằm giúp các doanh nghiệp này đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Hồng Diên, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ, yếu kém để tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra cú huých về tài chính, đổi mới công nghệ, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước thì cần giữ lại tiếp tục quản lý hoặc chỉ cổ phần hóa một phần, vốn Nhà nước giữ vai trò chi phối để tiếp tục phát huy hiệu quả, củng cố vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Trong trường hợp vấn đề nằm ở yếu tố quản trị, con người thì cần mạnh dạn nhìn nhận vấn đề và đề xuất thay đổi nhân sự để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

Biểu dương các kết quả đạt được của doanh nghiệp Nhà nước nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước cần phát huy hơn nữa tiềm lực to lớn của mình.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước. Lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty cần đoàn kết, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng nhấn mạnh, người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty sớm nghiên cứu đề xuất giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp đi đầu của đất nước; Khuyến khích người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; Tiếp tục cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ.