Bỏ "trần", lại lo giá sữa "bất kham"

ANTD.VN - Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có Thông tư hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, trần giá sữa sẽ được gỡ bỏ sau ngày 31-3-2017. Vấn đề đặt ra là liệu để doanh nghiệp tự kê khai, định giá thì giá bán đó có hợp lý? 

Nhiều người tán đồng với phương án bỏ “trần”, để doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, bởi việc áp trần giá sữa lâu nay là khiên cưỡng và trái quy luật thị trường. Tuy vậy, cơ quan quản lý phải có cách để kiểm tra, giám sát, ngăn chặn độc quyền. 

Bỏ "trần", lại lo giá sữa "bất kham" ảnh 1Người tiêu dùng lo giá sữa tăng

Doanh nghiệp tự định giá sữa

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, phương án quản lý giá sữa thời gian tới vẫn dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành cũng như các cam kết quốc tế... và áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) có trách nhiệm tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo phân công, phân cấp; Triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; Thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai.

Cơ quan quản lý Nhà nước dựa trên khai báo của doanh nghiệp sẽ xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường. 

“Nói cách khác, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương.

Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

“Để kiểm soát giá sữa một cách hiệu quả, Bộ Công Thương cần nắm được giá đầu vào của mặt hàng sữa, bao gồm: giá nhập khẩu, thuế, phí… và công khai cho người tiêu dùng được biết”.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam

Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên và chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.  Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Kẻ mừng người lo

Trong báo cáo mới nhất được thực hiện bởi các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam cũng vừa kiến nghị cơ quan quản lý gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

NFG cho hay, từ khi biện pháp giá trần được áp dụng, nhiều khoản chi phí của doanh nghiệp sữa đã tăng như tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... đã tác động đến hoạt động của các nhà sản xuất và phân phối sữa. Đối với thị trường sữa công thức, NFG cho rằng, Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc thị trường bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Một số doanh nghiệp sữa trong nước cũng từng không đồng tình với việc áp trần giá sữa đang thực hiện. 

Về bản chất, việc gỡ bỏ các biện pháp cứng nhắc về quản lý giá cả là thuận theo quy luật thị trường, không cản trở doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, trước quyết định này, người tiêu dùng, đặc biệt là những gia đình đang nuôi con nhỏ lại lo lắng.

Chị Phạm Thu Trang (phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy hôm nay thấy chị em ở cơ quan nói chuyện sẽ bỏ trần giá sữa, tôi rất sợ giá sữa tăng. Mỗi tháng tôi phải mua 5 hộp loại 900g cho con. Giá sữa cứ tăng là lại phải tính toán”.

Trên thực tế, đối với doanh nghiệp, sau khi bỏ giá trần, về lý thuyết doanh nghiệp có thể để giá sữa “nhảy múa”. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên quá lo ngại giá sữa tăng mạnh bởi các doanh nghiệp còn chịu áp lực thị trường, thị phần, tăng trưởng doanh số… Thị trường sẽ kiểm soát giá sữa thông qua các yếu tố trên thay cơ quan quản lý.

Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, để kiểm soát giá sữa một cách hiệu quả, Bộ Công Thương cần nắm được giá đầu vào của mặt hàng sữa, bao gồm: giá nhập khẩu, thuế, phí… và công khai cho người tiêu dùng được biết. 

Khó kiểm tra tính hợp lý

Bình luận về phương án quản lý giá sữa mới nêu trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bỏ trần giá sữa là việc cần làm và đáng lẽ nên làm từ lâu, bởi việc áp trần giá sữa vừa qua là khiên cưỡng, không theo thị trường.

Theo vị chuyên gia này, thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là thị trường cạnh tranh thực sự nên không cần Nhà nước định giá. “Việc cần làm của cơ quan quản lý Nhà nước là xem có doanh nghiệp nào độc quyền, thống lĩnh thị trường hay không. Nếu có độc quyền, có liên kết thao túng giá thì mới áp trần giá sữa. Do đó nên bỏ trần giá sữa, nhưng phải có cách để kiểm tra tính hợp lý của giá sữa mà doanh nghiệp đăng ký”, ông Ngô Trí Long phân tích.

Đồng quan điểm này, một vị chuyên gia trong lĩnh vực sữa cho trẻ em chia sẻ, cùng một loại sữa nhưng ở mỗi quốc gia, giá bán lại khác nhau. Giá bán được quy định bởi hàm lượng các chất protein, khoáng chất, vitamin… Chỉ nhà sản xuất mới biết được giá thành sản phẩm. Và để biết được giá sữa đó tại Việt Nam đã hợp lý chưa, người quản lý phải so sánh, đối chiếu, nắm rõ các thành phần của sản phẩm được bán tại thị trường Việt Nam.

“Ở nhiều nước, người làm công tác quản lý phải có ít nhất 5-7 năm kinh nghiệm thực tế, thay vì chỉ ngồi bàn giấy. Nếu chỉ ngồi trong 4 bức tường mà nghe báo cáo, kiểm tra xem giá sữa doanh nghiệp kê khai đã hợp lý chưa thì khó hiệu quả như mong muốn” - vị chuyên gia nói.

Các chuyên gia cho rằng, đồng thời với việc bỏ trần giá sữa, việc cần làm đầu tiên của cơ quan quản lý là khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cùng với đó phải kiểm tra, giám sát, ngăn chặn độc quyền, thao túng giá sữa nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.