“Bó tay” với ăn xin chuyên nghiệp

ANTĐ - Khi nhìn thấy ông lão ăn xin chống gậy, bước thấp bước cao được đưa tới trạm chấp pháp đường sắt Từ Gia, Thượng Hải, Trung Quốc, Ngô Xuân Vũ, một nhân viên cảnh sát của trạm chỉ còn biết bất lực lắc đầu. Đây là lần thứ 64 ông lão này bị đưa đến đây.

Trẻ em bị những ông bố bà mẹ “ăn xin chuyên nghiệp” bắt hành nghề “gia truyền”


Điểm mặt “người quen”

Ngô Xuân Vũ cho hay, mỗi lần có đợt quét vét ăn xin tại các ga tàu điện ngầm trong thành phố, số lượng “người quen” bao giờ cũng chiếm phần nhiều. Ấn tượng nhất là gia đình 5 Lã Tương với 5 thành viên. “Họ thường xuyên “đoàn tụ” ở trạm chấp pháp. Lã Tương hiện 29 tuổi, thường mang đứa con gái nhỏ đi ăn xin, còn chồng chị ta, 30 tuổi, dắt theo đứa con gái lớn và con trai út”, Ngô Xuân Vũ kể. Trong đợt quét vét cuối tháng 9 của cảnh sát, 5 người này lần lượt được đưa về trạm cách nhau chừng 1 tiếng, 3 đứa trẻ gặp nhau mừng vui hớn hở, chơi trò đuổi bắt, còn bố mẹ chúng thì ngồi riêng một góc “tâm sự”. 

Còn tại trạm chấp pháp Quảng trường nhân dân, bình quân mỗi ngày có hơn 20 người ăn xin được dẫn về đây, những hôm cao điểm thì lên tới 80 người. Trưởng trạm, chị Dương Lệ cho hay, có không ít bậc cha mẹ đưa con từ các vùng quê tới, lấy danh nghĩa thiếu tiền nộp học cho con để cùng “hành nghề” ăn xin. Thời kỳ đầu mới về làm việc tại đây chưa biết, chị cũng đã huy động anh em cùng trạm hỗ trợ kinh phí cho một số đứa trẻ theo bố mẹ đi ăn xin, nhưng việc làm đó không thể thay đổi được cuộc sống của chúng. Bọn trẻ vẫn bị bố mẹ tha lôi đi khắp các ngả đường, không phải vì quá nghèo khó, mà việc làm đó đã trở thành một “nghề” kiếm sống của những người này.

Trong số những người ăn xin mà cảnh sát từng xử lý, không ít người có mức thu nhập cao, thậm chí còn cao hơn công chức. Tô Viên, hiện 41 tuổi cho hay, chỉ cần ăn xin nửa ngày cũng có thể kiếm được 500NDT, trong số đó có cả ngoại tệ. Thậm chí, khi bị đưa về trạm chấp pháp, có người ăn xin từng nói với cảnh sát: “Có biết hôm nay tôi xin được bao nhiêu không? 670NDT. Kể ra các anh còn khổ hơn tụi tôi nữa”. Một số người ăn xin thì không buồn nhìn đến suất ăn miễn phí ở trạm chấp pháp, khi bị tạm giữ tại đây, đã... móc điện thoại ra gọi cơm gà hoặc suất Kentucky ở bên ngoài.

Tháng 8 vừa qua, cảnh sát Thượng Hải thậm chí còn phải đăng danh sách - sau này được cư dân mạng gọi là “bảng xếp hạng ăn xin chuyên nghiệp” lên trang web của mình. Đứng đầu “bảng xếp hạng” là Hà x, 22 tuổi, bị xử lý 309 lần từ năm 2008 đến nay, tiếp theo là bà Trần, 88 tuổi với 292 lần, Bao x, 27 tuổi với 241 lần. Trong số này, bà Trần, đến từ An Huy là một tay cờ bạc “thượng thừa”, mỗi buổi chiều đều chơi mạt chược, nếu thắng thì thôi, hễ thua lại xách bị ra ga kiếm tiền cho cuộc chơi hôm sau. Cảnh sát Thượng Hải hy vọng với cách làm đó, người dân sẽ biết rõ hơn về những đối tượng ăn xin chuyên nghiệp, để phối hợp với cơ quan chức năng dẹp “nạn” này.

“Nghề” khó dẹp

Thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh cũng được coi là một “thánh địa” của những kẻ ăn xin chuyên nghiệp. Để lập lại trật tự, chính quyền thành phố đã tổ chức nhiều đợt quét vét ăn xin, song không xuể. Mỗi khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, người ăn xin trên hè phố lại bỏ chạy, trong số đó có nhiều người “tàn tật” còn chạy nhanh hơn cả người lành lặn. Tất cả những người... không chạy kịp được đưa về trạm cứu trợ thành phố, nơi họ được cung cấp suất ăn, chỗ ngủ miễn phí và hỗ trợ cả tiền tàu xe để về quê. “Song phần lớn không muốn đến các trạm cứu trợ này, và các nhân viên của chúng tôi thường phải rất vất vả trong việc khuyên họ về quê”, ông Chân Chấn Cường, trạm trưởng cho hay, “phần nhiều trong số họ, sau khi nhận tiền và về quê “an dưỡng” mấy hôm, sẽ quay lại thành phố tiếp tục “hành nghề”.

Cũng phải thừa nhận rằng có những người thực sự khó khăn, nghèo túng, tuổi tác cao, mất khả năng lao động, đành phải sống nhờ vào lòng thương của thiên hạ, song những kẻ lê la ở thành thị với suy nghĩ “tôi nghèo, các người phải giúp tôi”, chờ đợi sự thông cảm của người hảo tâm để kiếm sống, thì điều đó thực sự gây ra những tác động xấu đối với xã hội, đồng thời ảnh hưởng tới bộ mặt các thành phố lớn. Nguy hiểm hơn, hiện trạng này còn tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng để kiếm tiền phi pháp. Tháng trước, Viện Kiểm sát thành phố Thượng Hải cũng mới phê chuẩn lệnh bắt Lý Tước vì hành vi tổ chức cho người tàn tật ăn xin. Đối tượng này đã lừa gạt 3 người mù từ Hà Nam đến Thượng Hải, sau đó ép họ đi ăn xin và thu tiền. 

“Tuy nhiên, để xử lý được người ăn xin chuyên nghiệp rất khó, vì họ phần lớn hoạt động đơn lẻ. Hơn nữa, theo luật xử phạt hành chính của Trung Quốc, chỉ có hành vi “liên tục quấy rối, cưỡng ép, dùng nhiều cách để xin ăn” hoặc “uy hiếp, lừa gạt hoặc lợi dụng người khác đi ăn xin” mới bị tạm giữ và xử phạt. Còn đối với người ăn xin nói chung, chỉ có thể tạm giữ họ 22 tiếng, sau đó chuyển sang trung tâm cứu trợ, để rồi, hôm sau, họ lại xuất hiện ở các bến xe, nhà ga, quảng trường…

Trong số ăn xin ở Thẩm Dương, dạng người như ông Thiết Ngưu không ít. Năm nay 60 tuổi với hơn 20 năm hành nghề ăn xin, người đàn ông đến từ tỉnh An Huy này tạo cho mình bộ dạng rất đáng thương. Trên thực tế, ông Ngưu đã có nhà đất ở quê, 1 vợ 4 con, đều đã trưởng thành. “Tôi chẳng làm gì phạm pháp. Ở tuổi tôi bây giờ đi kiếm việc làm cũng khó”, ông Ngưu tâm sự, “3 đứa con gái đã lấy chồng, còn thằng con trai sắp lấy vợ, tôi phải kiếm chút tiền phụ giúp nó làm đám cưới”.