Bỏ giá trần vé máy bay để thị trường tự điều tiết, nên hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh hàng không Việt thua lỗ liên miên thì các hãng hàng không cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Nhà nước nên tháo bỏ “vòng kim cô” về giá trần vé máy bay nội địa đã áp lên các doanh nghiệp từ lâu nay.

Ba hãng bay chủ lực đều báo…lỗ

Tại tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt” diễn ra chiều 24/2, đại diện các hãng hàng không đều thừa nhận, thị trường hàng không năm 2022 phục hồi không như kỳ vọng, đặc biệt là thị trường hàng không quốc tế, khiến các doanh nghiệp đều trong cảnh thua lỗ liên miên.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, năm 2022, tổng sản lượng vận chuyển của hãng tăng 13% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19), nhưng sản lượng bay quốc tế chỉ bằng 50% so với năm 2019. Trong khi đó, bay quốc tế dù chỉ chiếm 40% về sản lượng khách nhưng lại đóng góp đến 60% doanh thu cho các hãng. Do vậy, thị trường hàng không quốc tế phục hồi chậm đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hàng không.

“Chúng tôi không đồng ý với nhận định, thị trường hàng không đã phục hồi. Theo kịch bản dự báo lạc quan nhất thì hàng không khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ phải hết năm 2024 mới có thể phục hồi như năm 2019”- ông Thành cho hay, đồng thời cho biết, nhưng hiện các hãng hàng không Việt đã rơi vào cảnh khốn khó, không biết có thể “sống” được hết năm 2024 chờ hàng không phục hồi hoàn toàn hay không?.

Đồng tình với quan điểm của “anh cả” Vietnam Airlines, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng cho hay, trong khi thị trường Trung Quốc gặp khó khăn vì trong danh sách 20 quốc gia được Trung Quốc cấp visa khách du lịch theo đoàn thì không có Việt Nam, thì qua khảo sát, tại thị trường Nhật Bản, người dân cũng hạn chế đi du lịch ra ngoài.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều kiến nghị đã đến lúc bỏ giá trần vé máy bay nội địa

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều kiến nghị đã đến lúc bỏ giá trần vé máy bay nội địa

Theo ông Quân, một phần do kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút mạnh, phần nữa là người dân Nhật Bản e ngại vấn đề an toàn. Vì vậy, phần lớn người dân nước này lựa chọn đi du lịch nội địa thay vì đi quốc tế.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air thừa nhận khó khăn và bày tỏ, nếu không có một sự thay đổi cơ bản trong chính sách quản lý của Nhà nước thì các hãng hàng không Việt tiếp tục yếu đi.

“Trong khi các hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu báo lãi sau dịch thì các hãng hàng không Việt vẫn chìm ngập trong vấn đề thanh khoản yếu. Giá vé thì bị giới hạn trần, lãi suất ngân hàng rồi việc vay vốn ngân hàng của các hãng hàng không cũng không thuận lợi… Các yếu tố này khiến hàng không loay hoay phục hồi”- bà Yến Phương cho hay.

Không còn quốc gia nào quy định giá trần vé máy bay

Trong bối cảnh hàng không Việt thua lỗ liên miên thì các hãng hàng không cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Nhà nước nên tháo bỏ “vòng kim cô” về giá trần vé máy bay nội địa đã áp lên các doanh nghiệp từ lâu nay.

Các hãng hàng không Việt Nam đều đang trong cảnh khó khăn về tài chính

Các hãng hàng không Việt Nam đều đang trong cảnh khó khăn về tài chính

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa thông tin, theo dự báo, cuối năm 2023 hàng không Việt Nam mới phục hồi được 85% và khoảng cuối năm 2024 mới phục hồi được như năm 2019.

Dù vậy, các doanh nghiệp hàng không trong 3 năm qua (2020,2021 và 2022) đều trong cảnh thua lỗ năm này qua năm khác. Riêng Vietnam Airlines năm 2022 lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, lũy kế đến nay lỗ hơn 34.000 tỷ đồng. Còn Bamboo Airways hiện số lỗ lũy kế cũng lên 6.800 tỷ đồng, Vietjet Air năm 2022 thì lỗ hơn 2.200 tỷ đồng.

“Tôi khẳng định, bỏ giá trần hoặc nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà chúng ta có cơ hội đa dạng các mức vé, làm cho thị trường hàng không lành mạnh hơn. Việc này làm cho thị trường vận tải hàng không phát triển và phát triển lành mạnh chứ không phải triệt tiêu đi”- Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, khả năng phục hồi của hàng không còn khá mong manh và việc có thể cắt lỗ trong năm 2023 là rất khó.

Vì vậy Nhà nước nên tiếp tục cân nhắc có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng như đã từng triển khai trong năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát tốt giá xăng dầu; thúc đẩy du lịch mạnh mẽ hơn…

Đặc biệt, ông Lực cho rằng, Nhà nước cần cân nhắc có thể bỏ giá trần vé máy bay. “Bỏ giá trần không có nghĩa là chúng ta mở toang không quản lý gì.

Điều kiện để chúng ta bỏ giá trần là phải công khai, minh bạch hơn để người dân thấy tâm phục khẩu phục và an tâm, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân thấy xứng với đồng tiền bỏ ra; có nhiều giá vé khác nhau để hợp với túi tiền của từng phân khúc…”- chuyên gia Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, việc duy trì giá trần vé máy bay nội địa đến ngày hôm nay là sự vô lý và cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Trên thế giới không còn quốc gia nào quản lý giá trần vé máy bay, nếu chúng ta còn duy trì thì đã đặt mình vào tình huống chẳng giống ai.

Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, việc áp giá trần vé máy bay đã tước đi cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không.

“Theo khảo sát, thị trường hàng không Việt Nam chỉ sôi động trong 2 giai đoạn ngắn là dịp cao điểm Hè và Tết Nguyên đán. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán thì chỉ đông 1 chiều, hãng nào cũng phải bay lệch. Nếu chúng ta bỏ giá trần đi thì các hãng hàng không có cơ hội tăng thu hợp lý, cải thiện tài chính và cũng tăng cơ hội mua vé giá rẻ cho người dân”- ông Nam phân tích.

Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT sớm điều chỉnh giá vé máy bay dựa trên các quy định hiện hành. Ông Quân cho rằng, vai trò lịch sử của giá trần giá vé máy bay đã hoàn thành sứ mệnh, bỏ giá trần nhưng vẫn duy trì sự hiện diện của nhà chức trách hàng không trên những đường bay chỉ có 1 hãng vận chuyển, còn các đường bay có từ 2 hãng trở lên thì bỏ.

Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá vé 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.

Cục Hàng không Việt Nam cũng nhiều lần đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.