“Bộ đội ta giỏi quá!”
(ANTĐ) - Những ngày tháng Tư lịch sử 1975, tôi đang là trung sĩ trung đoàn 600 Bộ Tư lệnh cảnh vệ, bảo vệ cơ quan Phủ Thủ tướng. Bắt đầu vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà hai tầng phía sau cơ quan, nơi Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc và nghỉ ngơi, nhiều phòng, trong đó có phòng của Thủ tướng, đêm nào điện cũng thắp suốt sáng. Đêm 29-4, tôi gác ở đầu nhà. Ca gác của tôi bắt đầu từ nửa đêm, tức là 0h ngày 29 rạng ngày 30-4.
Vào khoảng 1 giờ sáng, tôi thấy Thủ tướng ra ban công vươn vai, giơ hai tay lên trời, nói như reo “Thắng rồi! Thắng rồi!”. Tôi đoán ngay, Thủ tướng vừa nhận được tin vui từ miền Nam gửi ra. Cần vụ bưng lên một cốc sữa nóng, mời Thủ tướng uống và đi nghỉ.
Anh em cảnh vệ, cần vụ thân cận, rất lo cho sức khỏe Thủ tướng. Suốt gần tháng qua, đêm nào Thủ tướng cũng làm việc đến một hai giờ đêm. Thủ tướng chủ yếu đón nghe bản tin sớm của các hãng thông tấn phương Tây, nghe tin điện khẩn từ Bộ Tư lệnh chiến dịch thông báo diễn biến chiến trường.
Từ 27-4, hãng AFP đưa tin “Quốc hội Sài Gòn họp khẩn cấp, với 134 phiếu thuận để Trần Văn Hương rút lui, trao lại chức Tổng thống cho tướng Dương Văn Minh”. Hãng AP báo tin “Cơ quan quốc phòng Mỹ ở Sài Gòn sẽ đóng cửa trong vòng 36 giờ. Chấm dứt chế độ cố vấn quân sự Mỹ kéo dài 25 năm ở Nam Việt Nam”.
Hãng UPI đưa tin “Bộ binh và pháo binh Cộng sản siết chặt các thòng lọng quanh Sài Gòn”. Hãng Reuters phát nhanh “Sân bay Biên Hòa đã bị phá hủy. Bộ binh và xe tăng Cộng sản đang tiến về Sài Gòn từ hai hướng một lúc”.
Những tin tức này, được bộ phận bản tin của đơn vị viết lên bảng, có bản đồ chiến sự kèm theo, để anh em trong cơ quan theo dõi. Thủ tướng rất vui nhưng hình như ông vẫn còn lo một việc gì đó. Mãi tới lúc Thủ tướng reo to “thắng rồi!” và cho bật điện sáng tất cả các phòng trong ngôi nhà, anh em chúng tôi mới thật sự vui theo niềm vui của Thủ tướng.
Sau này chúng tôi được biết, Thủ tướng lúc ấy vừa nhận được tin “Căn cứ liên hợp Biên Hòa đã bị quân ta đánh chiếm. Tất cả các quân đoàn, bắt đầu tổng công kích vào Sài Gòn”.
Nữ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho quân giải phóng tiến đánh Sài Gòn |
Trước đó, Thủ tướng lo vì biết tin quân địch, do Tổng tham mưu trưởng Vĩnh Lộc vừa thay Cao Văn Viên, ra lệnh cho tướng hai sao Nguyễn Văn Toàn “Bằng bất cứ giá nào giữ những phần đất còn lại thực hiện trì hoãn cuộc chiến để liên lạc với phía bên kia tiến hành thương lượng”.
Nguyễn Văn Toàn giao lại cho tướng 1 sao Lê Minh Đảo tử thủ rồi chuồn vào Sài Gòn. Lê Minh Đảo thấy quân Bắc Việt đã vào Biên Hòa; Long Thành, Hố Nai cũng đã vỡ trận vội vàng cho quân rút qua sông Đồng Nai về lập tuyến phòng thủ Thủ Đức.
Tin Lê Minh Đảo có ý định phá các cầu qua sông, làm Thủ tướng lo ngại. Khi biết tin, quân ta đã chiếm được các đầu cầu, khống chế không cho địch phá. Nhất là tin ta đã đồng loạt tiến vào nội đô Sài Gòn từ 5 hướng Thủ tướng mới vui vẻ uống sữa và chợp mắt lấy vài tiếng.
Sáng 30-4-1975, nhận tin Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân giải phóng miền Nam Việt Nam, cơ quan, đơn vị cảnh vệ chúng tôi vui như hội. Tôi nhớ, Thủ tướng gặp ai trong cơ quan cũng bắt tay và nói rất xúc động: “Bộ đội ta giỏi quá!”.
Thủ tướng ca ngợi tài thao lược của cán bộ bộ đội các quân đoàn nói chung và sau này tôi được biết ông rất khen sự nhanh trí, tháo vát của Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy lữ đoàn tăng 302, người chỉ huy có cấp hàm cao nhất có mặt tại dinh Độc Lập ngày hôm đó, đã đại diện quân giải phóng tuyên bố tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tướng Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chế độ Cộng hòa miền Nam.
Sau này, Thủ tướng được báo cáo, Trung tá Bùi Văn Tùng đã soạn thảo tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh và đưa ông ta tới Đài phát thanh Sài Gòn, ghi âm, đọc vào máy, phát đi toàn thế giới. Vào cuối tháng 5 sang đầu tháng 6-1975, đơn vị cảnh vệ chúng tôi được làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng đi công tác ở miền Nam.
Điểm đến đầu tiên của Thủ tướng là Đà Nẵng, rồi ghé thăm quê Quảng Ngãi, xuống Nha Trang, Khánh Hòa. Thủ tướng yêu cầu rẽ lên Tây Nguyên để thăm Anh hùng Núp, sau mới vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, Thủ tướng muốn gặp Trung tá Bùi Văn Tùng. Sài Gòn lúc này do quân đoàn 4 quản lý, đơn vị xe tăng của Bùi Văn Tùng đã chuyển đi.
Thủ tướng đề nghị được nghe lại giây phút lịch sử, quân ta tiến vào dinh Độc Lập một lần nữa thật chi tiết. Một cán bộ chỉ huy trợ lý trung đoàn 14, bảo vệ dinh báo cáo “Trung tá Bùi Văn Tùng cùng lữ đoàn xe tăng của anh, vào đến dinh Độc Lập, Thượng sĩ Phạm Duy Đô - Đại đội phó Đội biệt động báo cáo là Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên nội các của miền Nam cộng hòa” đang ở trong dinh.
Anh Tùng ngạc nhiên, và chợt một ý lóe lên trong đầu: phải buộc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng để tránh đổ máu cho cả hai bên. Khi anh Tùng và các trợ lý vào, mọi người trong phòng đều đứng dậy chào. Dương Văn Minh lên tiếng “Chúng tôi chờ các ông tới để bàn giao”.
Anh Tùng nói ngay “Các ông không còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Ông hãy tuyên bố ở đài phát thanh như thế đi”. Dương Văn Minh cúi đầu, anh Tùng nghĩ ngay phải thảo lời tuyên bố cho ông ta đọc và có kẻ đầu hàng thì phải có người chấp nhận đầu hàng, để nhân dân và toàn thế giới hiểu rõ, cuộc chiến đấu vì hòa bình, độc lập thống nhất, ta phải đổi bằng máu xương mới bắt được kẻ địch đầu hàng. Lời tuyên bố đầu hàng và lời chấp nhận đầu hàng, anh Tùng thảo ra rất ngắn gọn, mỗi bản chỉ đúng có 10 dòng chưa đầy 100 chữ.
Thủ tướng bắt tay cảm ơn đồng chí cán bộ trợ lý đơn vị và nhắc lại với một niềm vui, niềm trân trọng đặc biệt: “Bộ đội ta giỏi quá!”.
Lương Hữu
(Ghi theo lời kể của Trung úy Đoàn Hải)