Bộ Công Thương: Vẫn nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quỹ bình ổn giá xăng dầu có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế tăng giá xăng dầu, từ đó giảm tác động đến giá cả các mặt hàng khác.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước vẫn được duy trì

Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước vẫn được duy trì

Trước nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, để giá mặt hàng này theo thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng Việt Nam có đặc thù nên vẫn cần giữ quỹ.

Trong 7 kỳ điều hành xăng dầu gần đây, giá xăng dầu trong nước giảm và ổn định. Do đó, số tiền trích lập quỹ bình ổn giá tăng lên. Tổng số tiền trích lập quỹ bình ổn giá là 4.500 đồng/lít với xăng và 1.800 đồng/lít với dầu. Việc trích lập này đã khiến giá xăng dầu mất đi khả năng giảm mạnh hơn để có lợi cho người tiêu dùng.

Về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng hiểu như vậy chưa đúng, vì quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt từng thời điểm, chi tiêu bao nhiêu đều có kiểm soát. Hiện công tác điều hành giá xăng dầu được liên bộ Công Thương và Tài chính điều hành, phối hợp rất chặt chẽ.

Việt Nam được đánh giá là một trong số các nước đảm bảo được nguồn cung năng lượng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu rất tốt, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang không bảo đảm nguồn cung.

“Quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng theo cơ chế "khi cần thì trích và khi cần thì chi", hoàn toàn không mất đi, quan trọng nhất "trích" và "chi" vào thời điểm nào. Ví dụ, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/01/2022 đến kỳ ngày 21/04 và sau đó là 5 kỳ liên tục từ 1/4 đến 21/6 để bình ổn giá xăng dầu trong nước tăng liên tục, chúng ta đã phải chi liên tục. Vì vậy, giá bình quân giá mặt hàng xăng dầu thế giới biến động từ 11,38% đến 45,95% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 22/8 vừa qua chỉ tăng từ 1,14% đến 40,37%, đó là lợi ích của quỹ.

Đến khi giảm nhiều thì lại trích một phần để đưa vào quỹ trong lúc quỹ có giới hạn, thậm chí nhiều doanh nghiệp có quỹ bình ổn âm, phòng khi lúc giá xăng dầu tăng cao thì có cách để điều tiết giá xăng dầu, khi quỹ có giới hạn”- ông Đỗ Thắng Hải nói.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, tại Việt Nam, giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng nhưng khi giá xăng giảm thì giá các mặt hàng khác lại không giảm. Thế nên lúc này quỹ bình ổn rất có lợi. Vì nếu cứ để tăng theo đúng mức độ của xăng thì các mặt hàng khác cũng tăng theo đúng mức ấy, nhất là với cước vận tải.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, quỹ bình ổn không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận, không có bộ máy, tổ chức riêng. Hiện Bộ Tài chính đang quản lý hạch toán, kiểm tra, giám sát vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Công Thương đã, đang sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện quỹ bình ổn phù hợp, hợp lý, minh bạch để bảo đảm nguồn cung, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.