Biến thể Omicron lây lan nhanh trước thềm Lễ Giáng sinh và Năm mới 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi chỉ còn ít ngày nữa là tới Lễ Giáng sinh và đón Năm mới 2022, các quốc gia từ châu Âu đến châu Mỹ đang chạy đua để đối phó với mối đe dọa của Covid-19 với biến thể Omicron. Không có không khí háo hức chờ đón mùa lễ, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang được đặt ưu tiên hàng đầu với với những biện pháp ngày càng nghiêm ngặt.
Biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 90 quốc gia trên thế giới

Biến thể Omicron đã xuất hiện ở khoảng 90 quốc gia trên thế giới

Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron

Mỹ đang chứng kiến một đợt bùng phát Covid-19 mới, và chuyên gia cảnh báo biến chủng Omicron có khả năng lây lan cao có thể gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh cho những người chưa tiêm chủng vaccine. Ngày 20-12, Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể Omicron là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, chưa tiêm phòng, sống tại hạt Harris, bang Texas. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế Mỹ cùng ngày cho biết biến thể siêu lây nhiễm Omicron hiện đã trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch Covid-19 tại Mỹ, nguyên nhân gây ra 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ trên cao hơn rất nhiều so với tuần trước đó, khi biến thể Omicron chỉ chiếm 12,6% số ca nhiễm mới tại Mỹ. Đáng chú ý là tại vùng Pacific Northwest và nhiều nơi ở miền Nam và Trung Tây, Omicron đã gây ra hơn 90% số ca nhiễm mới trong tuần qua.

“Biến chủng Omicron có khả năng lây lan rất cao. Nó dễ lây lan như bệnh sởi. Đó là virus dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng biết. Làm sao chúng ta có thể bước vào cuộc chiến khi không được trang bị vũ khí. Vaccine sẽ giúp bảo vệ các bạn, đặc biệt là những người đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19. Những người chưa tiêm vaccine thì không nên chần chừ nữa, hãy nhanh chóng tiêm phòng bởi Omicron có thể gây ra “sóng thần” lây nhiễm cho những người chưa tiêm vaccine ở Mỹ”.

Giáo sư Jonathan Reiner (Đại học George Washington, Mỹ)

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, hiện mỗi ngày Mỹ ghi nhận trung bình gần 130.000 ca Covid-19 mới, tăng vọt so với chỉ 70.000 ca hồi đầu tháng 11. Cố vấn cấp cao về y tế của Mỹ Anthony Fauci ngày 19-12 đã cảnh báo một mùa Đông ảm đạm phía trước, khi Omicron làm bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu. Đợt bùng phát mạnh này được cho một phần là do biến chủng Omicron.

Dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Omicron không nghiệm trọng hơn biến thể Delta, nhưng các số liệu sơ bộ cho thấy Omicron sẽ lây lan nhanh hơn và có thể chống lại các loại vaccine. Kể từ khi được xác nhận đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11, đến nay Omicron đã xuất hiện ở khoảng 90 quốc gia trên thế giới.

Trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện đang trong tình trạng sắp quá tải, các trung tâm xét nghiệm chứng kiến những dòng người xếp hàng chờ đến lượt và hàng loạt sự kiện thể thao và giải trí đã phải hoãn, hủy. Các chuyên gia y tế cho biết, biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh chóng và gây rủi ro lớn nhất đối với những người chưa tiêm phòng ngừa Covid-19. Trong khi đó, những người đã được tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt đã được tiêm mũi tăng cường, sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng do biến thể này gây ra. Tuy nhiên, việc kiểm soát virus đang trở nên khó khăn tại một đất nước mà tiêm phòng và đeo khẩu trang là một vấn đề gây chia rẽ và những quy định bắt buộc từ cấp liên bang đang vấp phải các tranh cãi pháp lý.

Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng vọt, Thủ đô Washington D.C. của Mỹ ngày 20-12 đã được ban bố tình trạng khẩn cấp. Biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà trên phạm vi toàn thành phố đã được khôi phục. Phát biểu tại buổi họp báo, Thị trưởng Muriel Bowser cho biết tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm mở rộng những cộng cụ hành chính để đảm bảo chính quyền thủ đô có thể làm mọi biện pháp cần thiết về mặt hành chính, như mua hàng hóa và dịch vụ. Bà Bowser cũng nhấn mạnh biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm trong nhà sẽ có hiệu lực từ ngày 20-12 và kéo dài đến ngày 31-1-2022. Ngoài ra, biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên chính quyền địa phương cũng sẽ được triển khai, gồm tiêm chủng mũi vaccine tăng cường bắt buộc, mở rộng xét nghiệm và các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố. Theo Giám đốc Sở Y tế Washington D.C. Anjali Talwalkar, hiện 97% bệnh nhân Covid-19 tại thành phố mắc biến thể Delta trong khi khoảng 3% nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo số ca mắc biến thể Omicron sẽ tăng vọt trong những tuần tới.

Châu Âu khẩn cấp hành động đối phó

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các quốc gia châu Âu cũng đang xáo động trước mối đe dọa Covid-19 cùng biến thể Omicron khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng thời gian gần đây. Để đối phó với đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, các nước châu Âu đang phải hành động khẩn trương với những biện pháp ngày càng nghiêm ngặt hơn. Chính phủ Đức đã tái lập lại chế độ cách ly với du khách đến từ các vùng nguy hiểm, song song với việc đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa chiến dịch tiêm chủng. Một số nước khác đã khẩn trương áp dụng các biện pháp hạn chế, từ giới nghiêm cho đến đóng cửa các tụ điểm công cộng, như ở Ireland hay Đan Mạch.

Quyết định mạnh mẽ của chính phủ Hà Lan ngày 19-12 vừa qua áp đặt lệnh phong tỏa trở lại đất nước cho đến ngày 14-1 là một cảnh báo đối với các nước châu Âu về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron. Hà Lan là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu áp dụng biệt pháp triệt để này, chấp nhận hy sinh kỳ lễ hội quan trọng nhất của năm để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Quyết định của Chính phủ Hà Lan được đưa ra khi đất nước này đang qua đỉnh làn sóng biến thể Delta và mới chỉ ghi nhận được khoảng 100 ca nhiễm Omicron. Nhưng cơ quan y tế Hà Lan cho rằng biến biến thể mới này có thể sẽ chiếm đa số các ca nhiễm từ nay đến cuối năm và Hà Lan sẽ không có đủ năng lực để chống đỡ với tình huống như vậy.

Trong khi đó, tại nước Anh, hai ngày cuối tuần qua vẫn ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày trên 90.000 ca. Omicron đã thế chỗ Delta thành biến thể chủ yếu ở nước này, chiếm 83% các ca nhiễm. Các nhà khoa học ở bên kia bờ biển Manche liên tiếp đưa ra những con số báo động: Từ nay đến cuối năm nước Anh có thể sẽ có thêm từ 600.000 đến 2 triệu ca nhiễm. Mỗi ngày các bệnh viện của nước Anh sẽ có thể phải nhận thêm mới ngày từ 3.000 đến 10.000 bệnh nhân và số ca tử vong hàng ngày cũng sẽ có thể lên đến hàng nghìn ca.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 20-12 tuyên bố đang xem xét mọi khả năng nhằm kiểm soát biến thể Omicron, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng thêm các biện pháp hạn chế do tình hình hiện tại vô cùng khó khăn. Phát biểu sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Johnson nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng thắt chặt hơn nếu cần phải làm để bảo vệ công chúng”. Ông cũng khẳng định chính phủ bảo lưu khả năng thực hiện thêm các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS). Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cũng cho biết Anh không loại trừ khả năng áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch Covid-19 trước lễ Giáng sinh, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh. “Chính phủ đang nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chuyên gia, theo dõi số liệu gần như hàng giờ và sẽ cân đối giữa lợi ích phòng dịch với tác động đến xã hội, kinh doanh và giáo dục của việc áp đặt hạn chế”- Bộ trưởng Javid cho biết.

Cũng trong bối cảnh đó, Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan cùng ngày thông báo sẽ hủy bỏ một sự kiện đón mừng Năm mới tại thành phố này. Thị trưởng Sadiq nhấn mạnh số ca mắc Covid-19 tại London hiện ở các mức cao kỷ lục và chính quyền thành phố đang nỗ lực hết sức để kìm hãm đà lây lan của biến thể Omicron.

Pháp dù là nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất châu Âu, nhưng không phải là không bị đe dọa bởi làn sóng ngầm Omicron, trong lúc vẫn chưa qua đỉnh đợt dịch thứ 5. Tại Pháp, mới chỉ có 310 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện. Tuy nhiên, con số này được cho là thấp hơn với thực tế, nếu căn cứ vào đà lây nhiễm nhanh của biến thể này. Chính phủ cũng nhận định, tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh. Các bệnh viện ở Pháp đã bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng, thiếu giường bệnh, thiếu nhân viên. Hệ thống y tế được đặt trong tình trạng báo động trước nguy cơ phải đón nhận đến 4.000 bệnh nhân tại các phòng hồi sức đặc biệt vào dịp Noel và Năm mới. Hội đồng khoa học đã kêu gọi chính phủ thiết lập các biện pháp hạn chế có hiệu quả nhân dịp lễ đón Năm mới, trong đó không loại trừ cả lệnh giới nghiêm.

Nhằm cố gắng không phải quay trở lại áp đặt các biện pháp khắt khe, nghiêm ngặt trước kỳ lễ hội cuối năm của người dân, Pháp đang tăng tốc chiến dịch tiêm chủng liều thứ 3, đồng thời với việc mở rộng đối tượng tiêm chủng đến trẻ em và gia tăng áp lực với những người không muốn tiêm chủng, để hướng tới chủ trương bắt buộc tiêm chủng với toàn dân.

WHO cảnh báo về khả năng lây lan và gây tái nhiễm của Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với Delta và có khả năng lây nhiễm cho cả người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19. “Hiện nay đã có bằng chứng nhất quán rằng Omicron lây lan nhanh hơn rất nhiều so với biến chủng Delta. Ngoài ra, nhiều khả năng những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm do Omicron” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại một cuộc họp báo ngày 20-12. Trước đó, WHO cho biết, tại những nơi có lây nhiễm trong cộng đồng, số ca Omicron có thể tăng gấp đôi chỉ sau 1,5 - 3 ngày.

Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên tại châu Phi và đã lan ra khoảng 90 quốc gia trên thế giới. Hiện dữ liệu về biến chủng chứa lượng đột biến cao bất thường này vẫn còn hạn chế. Theo những nghiên cứu đánh giá ban đầu, Omicron có khả năng lây lan cao, dễ né miễn dịch nhờ vaccine hoặc miễn dịch do từng mắc Covid-19.