Biến quản trị doanh nghiệp gia đình thành nghệ thuật, start-up vươn mình lên tốp đầu Việt Nam

ANTD.VN - Khởi nghiệp từ một phân xưởng nước giải khát nhỏ ở TP.HCM hồi những năm đầu thập kỷ 1990, Tân Hiệp Phát đã vươn mình trở thành doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu của Việt Nam. Một trong những bí quyết lớn nhất làm nên thành công của doanh nhân Trần Quí Thanh chính là tư duy quản trị doanh nghiệp theo mô hình gia đình - với chính sách vừa khoa học, vừa nghệ thuật.

Với tầm nhìn chiến lược, gia đình của ông Trần Quí Thanh đang đưa Tân Hiệp Phát vươn ra biển lớn với những bước tiến vững chắc

Nhắc đến Tân Hiệp Phát, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ tới ông Trần Quí Thanh - nhà sáng lập nổi tiếng với tài xoay chuyển tình thế và câu nói “đóng đinh” trước mọi khó khăn: Không gì là không thể!

Đúng như tinh thần quyết liệt đó, ông Trần Quí Thanh đang chứng tỏ một việc tưởng như không thể, nhưng sẽ phải thực hiện được: Chuyển giao dần vai trò lãnh đạo doanh nghiệp trị giá hàng tỉ USD cho những người xứng đáng, có năng lực, có tâm và có tầm.

Trong những lần chia sẻ tại các sự kiện về khởi nghiệp, quản trị, ông Trần Quí Thanh không ngần ngại bày tỏ rằng, bất kỳ nhà lãnh đạo nào - dù tầm cỡ tới đâu - cũng sẽ chỉ có giai đoạn nhất định. Nếu không tìm ra thế hệ lãnh đạo kế cận đủ tầm, số phận của doanh nghiệp sẽ bị định đoạt.

Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm thế hệ lãnh đạo kế cận đó không đơn giản là chỉ định... người nhà vào những chiếc ghế được dọn sẵn. Bởi trong quan điểm của nhà sáng lập Tân Hiệp Phát, người được chọn phải thể hiện khả năng xứng đáng. Từ đây, người ta mới thấy tư duy quản trị doanh nghiệp theo mô hình gia đình đặc biệt mà ông Trần Quí Thanh áp dụng: Vừa khoa học, vừa nghệ thuật.

Tư duy đó đi từ “kỷ luật thép” đối với từng thành viên trong gia đình, cho đến việc xây dựng một bộ giá trị văn hóa doanh nghiệp dựa trên giá trị của gia đình.

Khi “ái nữ” luôn gọi cha là sếp

Cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” là một trong những tài liệu thú vị nhất nói về tư duy quản trị doanh nghiệp theo mô hình gia đình của ông Trần Quí Thanh. Trong đó, tác giả Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, và là con gái của ông Trần Quí Thanh - đã không quên lời cha nói khi cô muốn xin đi du học: “Mấy đứa học dốt, muốn trốn thi đại học, sợ rớt mới phải du học”, “Học lắm quá thành thợ học đó nghe con”.

Khi đó, gia đình hoàn toàn có thể lo liệu cho con đi du học ở những trường danh tiếng hàng đầu thế giới nhưng ông vẫn tin rằng, áp lực thi cử trong nước là thứ kỷ luật cần thiết, trui rèn bản lĩnh cho con mình, trước khi nghĩ tới việc bung cánh trên bầu trời rộng lớn hơn. Cho tới khi chị Trần Uyên Phương đỗ đại học tại Việt Nam với số điểm đáng nể, chính ông Trần Quí Thanh lại là người động viên con gái du học, và khuyến khích cô đi theo những ngành “sống còn” với doanh nghiệp: Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard.

 Nghệ thuật nhất trong tư duy quản trị doanh nghiệp gia đình của ông Trần Quí Thanh chính là việc xây dựng bộ giá trị văn hóa doanh nghiệp dựa trên giá trị của gia đình: Từng thành viên trong gia đình nhỏ thấu hiểu sứ mệnh của mình để không ngừng phát triển; Từng thành viên trong gia đình lớn Tân Hiệp Phát hiểu giá trị, vai trò và mục tiêu để không ngừng phấn đấu.

Cũng trong “Chuyện nhà Dr.Thanh”, người ta thấy cách “sếp Thanh” nghiêm nghị trong từng quyết định, sẵn sàng phạt từng... người thân. Nói tới đây, có lẽ nhiều người vẫn chưa tưởng tượng ra việc, bà Nụ, người đầu gối tay ấp của ông Thanh đã không ít lần bị nhắc nhở nghiêm khắc, căng thẳng trong từng cuộc họp.

“Ở nhà bả là vợ tôi, chúng là con tôi, còn đã vào công ty, tất cả trở thành nhân viên dưới quyền, sai là phải nhận, phải nhắc nhở, thậm chí kỷ luật!”, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát từng giãi bày như thế, khi nói về sự cứng rắn trong việc điều hành doanh nghiệp.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, khi được hỏi về “sự khác biệt giữa một nhân viên là người dưng với một nhân viên người nhà của Tân Hiệp Phát”, chị Trần Uyên Phương đã trả lời ngắn gọn: “Khác biệt rất lớn chính là người nhà còn bị xử nặng hơn người ngoài!”.

Nếu may mắn có cơ hội xem vở kịch “Chuyện nhà Dr.Thanh” được chuyển thể từ cuốn sách nói trên, người ta sẽ hiểu sâu sắc câu trả lời của tác giả Uyên Phương. Bởi ngay khi vào kịch, người ta đã thấy phân cảnh một cuộc họp căng thẳng của Tân Hiệp Phát, trong đó, ông Trần Quí Thanh vò đầu và khẳng định: “Tôi sẽ kỷ luật... Phải làm thật nghiêm!”, trong khi bà Nụ cố nài nỉ “nhưng nó là con anh mà!”. Đây là chi tiết hoàn toàn thực tế về quyết định xử phạt nghiêm khắc mà ông Trần Quí Thanh áp dụng đối với một người thân giữ vai trò lãnh đạo và mắc lỗi trong công ty.

Trong những lần chia sẻ, giao lưu với các bạn trẻ, chị Trần Uyên Phương cũng không ngần ngại kể về những vị trí mà bản thân từng trải qua và tự chứng minh năng lực trước khi được cất nhắc lên vai trò lớn hơn.

Cũng bởi kỷ luật nghiêm khắc được áp dụng, nên để ý một chút, người ta luôn thấy các “ái nữ” của ông Trần Quí Thanh gọi cha là “sếp Thanh” ở công ty, chứ không phải “ba Thanh”. Đơn giản, bởi nếu mắc lỗi, “sếp Thanh” sẽ không ngần ngại kỷ luật nặng người mắc lỗi, nhất là khi người đó lại là người nhà của ông.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - chị Trần Uyên Phương - là gương mặt quen thuộc xuất hiện tại các sự kiện chia sẻ về quản trị, khởi nghiệp, với khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ

Nghệ thuật hóa tư duy quản trị doanh nghiệp gia đình

Nếu nói rằng kỷ luật là nguyên tắc duy nhất trong việc quản trị doanh nghiệp gia đình, thì Tân Hiệp Phát sẽ không thể có ngày hôm nay. Bên cạnh việc áp dụng kỷ luật nghiêm khắc, ông Trần Quí Thanh đã nâng tư duy quản trị đó lên mức mới, được ví như nghệ thuật.

Tại Hội thảo “Xây dựng thế hệ lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới”, chị Trần Uyên Phương đã bày tỏ: “Đối với doanh nghiệp mình, chúng tôi đã tái cấu trúc rất nhiều lần và thấy rằng, một trong những điều khó khăn nhất là chọn đúng người đúng vị trí, tức ai có thể làm được vị trí đó, một nhân viên cũ sẽ có vị trí lên hay xuống. Đây là điều rất khó, nhưng bắt buộc phải chấp nhận để phát triển lâu dài.

Doanh nghiệp gia đình vẫn là một doanh nghiệp. Muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, chính sách phân quyền cần phải rõ ràng. Đây là chìa khóa để các doanh nghiệp phát triển hơn nữa và tự tin vươn ra thế giới”. Bởi thế, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tiên phong thuê chuyên gia nước ngoài tham gia vào quá trình quản trị, để vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp, vừa góp thêm phần minh bạch, khách quan.

Song nghệ thuật nhất trong tư duy quản trị doanh nghiệp gia đình của ông Trần Quí Thanh chính là việc xây dựng bộ giá trị văn hóa doanh nghiệp dựa trên giá trị của gia đình: Từng thành viên trong gia đình nhỏ thấu hiểu sứ mệnh của mình để không ngừng phát triển; Từng thành viên trong gia đình lớn Tân Hiệp Phát hiểu giá trị, vai trò và mục tiêu để không ngừng phấn đấu.

Bởi thế, khi trò chuyện với bất kỳ nhân viên của Tân Hiệp Phát nào, người ta cũng có thể nghe họ say sưa nói về “chú Thanh”, “chị Phương”, chiến lược “Vươn ra biển lớn”, ý chí “Không gì là không thể”, quyết tâm “Hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”... Những điều đó được thể hiện với sự nhiệt huyết, tự hào qua từng ánh mắt, cử chỉ và lời nói của những “người Tân Hiệp Phát”.

*****

Việc quản trị một gia đình nhỏ với 4, 5 thành viên chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi luôn có sự khác biệt về tính cách, năng lực và tư duy của mỗi người. Vậy mà phải quản trị một gia đình lớn với hàng nghìn nhân viên để mọi thứ suôn sẻ, thì chắc chắn đó là việc khó tới mức không tưởng.

Bằng sức mạnh ý chí, kỷ luật và nghệ thuật trong tư duy quản trị, ông Trần Quí Thanh cùng những người kế nghiệp đã làm được điều không tưởng đó với tinh thần không gì là không thể. Vậy nên, khi một nhà lãnh đạo dự án khởi nghiệp đặt câu hỏi về điều gì quan trọng làm nên thành công, thì câu trả lời có thể rất đơn giản. Đó là... “Hãy nhìn ông Trần Quí Thanh và đại gia đình Tân Hiệp Phát!”.